Quy Nhơn có eo nín thở
*Bút ký - Trần Thị Huyền Trang
Eo Nín Thở là eo biển, nhưng không phải chỉ chỗ thắt lại của nước, mà của bãi cát. Bãi biển Quy Nhơn trải dài và rộng ở hai đầu, đến đoạn này đột ngột thắt đáy lưng ong, từ trên cao nhìn xuống tựa như ba vòng của hoa hậu. Đã eo mà còn nín thở, thì lạ lùng hết biết!
Bãi biển Quy Nhơn, từ eo Nín Thở nhìn về Ghềnh Ráng
Thật ra, cái tên Nín Thở chẳng liên quan gì đến vòng eo con kiến con ong của bãi biển. Theo một số người dân từng sống ở đây từ giữa thế kỷ XX, khu trung tâm Quy Nhơn (trải rộng từ quảng trường, siêu thị Co.opmart, đến tòa nhà ga hàng không đầu đường Nguyễn Tất Thành) trước năm 1975 là sân bay quân sự, bốn bên rào kẽm gai dày đặc. Mé Đông Nam sân bay, gần điểm cà phê S-Blue bây giờ, có trại hòm Phùng Khắc Khoan. Từ đó xuôi đường Nguyễn Huệ trở xuống là Khu II cũ, nơi người dân sinh sống. Đoạn eo biển hồi bấy giờ rất vắng vẻ, vô hình trung trở thành chỗ vứt rác, vứt xác súc vật chết, hôi hám nồng nặc. Đi bộ hay đi xe qua đoạn này, người ta phải bịt mũi hay nín thở để khỏi hít phải cái mùi kinh hoàng ấy. Tên eo Nín Thở do đó mà ra.
Sau năm 1975, khu vực này không còn là nơi vứt rác nữa. Nắng mưa sóng gió kiên trì làm cuộc dọn dẹp tẩy rửa kỳ công, cùng với nỗ lực của người Quy Nhơn và nhà nước, đã dần trả lại một eo biển xinh đẹp và thơ mộng. Thiên nhiên có thể tự mình xinh đẹp, nhưng cái thơ mộng của thiên nhiên lại do con người góp vào và cảm nhận. Nếu thiếu con người, thiên nhiên có đẹp đến đâu cũng mãi mãi hoang vu. Khi những hàng dừa học sinh Trưng Vương trồng sau giải phóng kịp xõa những cánh võng lá đong đưa với trời xanh, không gian nơi này đẹp vô tả với vị thế mặt đường vòng cung bán nguyệt nhô ra gần biển. Chiều chiều, nhất là vào mùa hè, người ta thường đổ ra hóng gió. Đứng ở đây thả tầm mắt ra khơi, xa kia là đường chân trời thoáng đãng, nhìn về phía Đông có núi Phương Mai, nhìn về phía Tây có núi Ghềnh Ráng. Đặc biệt, vòng cung ngắm biển này chỉ cách trường Đại học Quy Nhơn chừng trăm bước chân, nên sinh viên thường ra đây dạo chơi, hò hẹn. Trai gái đến eo Nín Thở để nín thở, là cách nói đùa hóm hỉnh của người Quy Nhơn về một thực tế rất trữ tình. Từ ấy, địa danh Nín Thở đã hoàn toàn trút bỏ nỗi ám ảnh ô nhiễm môi trường, mang một nghĩa mới, vừa ngộ nghĩnh vừa độc đáo. Biển Quy Nhơn "nín thở" đi vào thơ tình. Nhà thơ Ngô Minh lạc qua đây, không rõ được nín thở mấy lần mà ngơ ngẩn bồi hồi: "Qua eo Nín Thở đất trời dại khôn/ Giờ anh như đứa mất hồn/ Gặp ai cũng tưởng Quy Nhơn gọi mình".
Bãi biển Quy Nhơn, từ eo Nín thở nhìn về Khu I và núi Phương Mai
Từ khi Quy Nhơn lập khu dân cư đông sân bay, làm các tuyến đường mới, siêu thị, quảng trường, eo Nín Thở càng ngày càng đẹp, thu hút đông đảo người Quy Nhơn và du khách, nhất là vào thời điểm sáng sớm và chiều tối.
Kể từ khi khu II được giải tỏa để làm đường Xuân Diệu, tình trạng “xả thải” theo phương thức “đụng đâu xìa đó” không còn nữa. Còn nhớ khi Hãng phim tài liệu trung ương về làm phim Miền đất ba sông, các cảnh quay bãi biển Quy Nhơn lúc rạng sáng và chiều tối rất khó thực hiện. Đạo diễn nhìn trước ngó sau, hô bấm máy, anh quay phim vừa áp má vào máy chưa kịp bấm đã la oai oái như phải bỏng vì "bắt được" có một người vừa tụt quần vừa lom khom chạy, rê máy qua hướng khác lại hiện ra dăm người đang chổng mông nhấp nhổm. Có hôm chúng tôi đi ghi hình cả buổi, về háo hức mở ra xem lại, đạo diễn chỉ một sản phẩm trên cát, lắc đầu than: "Thôi xong, toi cơm rồi. Mai quay lại!".
Giờ thì khác rồi, không chỉ eo Nín Thở sạch, mà cả bãi biển Quy Nhơn sạch boong. Đây là yếu tố hàng đầu để Quy Nhơn ghi điểm trong lòng du khách. Kiếm được một điểm khoản này đâu có dễ, là mồ hôi, là thao thức của bao người đấy! Đêm đêm, vào khoảng 3 - 4 giờ sáng, khi chúng ta đang say giấc nồng, có những người bươn bả đẩy xe, dọn rác trên bãi biển, kể cả trong mưa gió cũng không nghỉ. Họ làm việc mòn đêm, để kịp tặng cho chúng ta một dải cát vàng tinh tươm lúc trời rạng sáng.
Công nhân vệ sinh dọn rác trên bãi biển Quy Nhơn
Hôm nay là một ngày trong mọi ngày, khi tôi chạm chân xuống cát biển, trời hãy còn tối mờ. Họ đã ở đấy - những người công nhân vệ sinh với chổi và bồ cào, chỉa ba trong tay, đang miệt mài làm việc. Sự có mặt của họ được nhận biết qua lớp áo phản quang, trước trán mỗi người gắn một bóng đèn, để rọi một khoảng đất nhỏ trước mặt khi cúi xuống dọn dẹp. Vào mùa đông, đôi khi rác nhiều không dọn xuể, đến sáng bạch công nhân vệ sinh vẫn tiếp tục cào, quét.
Có thể người Quy Nhơn đã thôi vứt rác bừa bãi trên bờ cát, nhưng đêm đêm sóng vẫn dạt về vô số thứ không xinh đẹp và không thơ mộng, thậm chí đang úng rữa, vốn được thải bỏ từ những làng xóm nào đó ven sông, mặc dòng nước nặng nhọc dập dềnh cuốn theo ra biển.
Từ một làng quê Bình Định thơm thảo rạ rơm, những người như tôi đi học, đi làm, trở thành cư dân Quy Nhơn từ khi rẻo đất này còn là thị xã tỉnh lỵ, từng ngày chứng kiến những đổi thay của một đô thị biển mà nhiều phen chợt giật mình bất ngờ vì sự lột xác của nó. Tựa như hai người cùng chơi đùa từ nhỏ, một sớm mai kia bỗng người con trai nhận ra cô bạn mình tóc đã dài, má chớm hồng, nụ cười thì e ấp; còn người con gái thì bỗng thấy đối phương cao lớn hiên ngang, giọng nói kìm nén nhưng vẫn âm vang sóng gió, ánh nhìn như lửa ấm. Quen thuộc đấy, dấu yêu đấy mà lạ lẫm đến ngỡ ngàng cũng đấy.
Eo Nín Thở, nhìn từ biển vào điểm S-Blue
Thật tình, khi bạn bè bốn phương thốt lên: "Quy Nhơn của mày đẹp quá!", tôi mới vừa tinh tỉnh vừa xao xuyến nhận ra vẻ đẹp của Quy Nhơn là có thật. Nhưng mà, chuyện, cứ đẹp từ từ và lộng lẫy một cách tự tin Quy Nhơn nhé! Nhưng phải giữ lại cho mình những bậc thềm nhìn ra biển, bởi vì một nhà làm phim yêu Quy Nhơn tâm sự rằng sau Tết vừa rồi, khi trở lại với bao nhớ nhung, chị rất vui vì Quy Nhơn rực rỡ hơn, lịch lãm hơn, hiện đại hơn xưa, nhưng bên cạnh đó chị không khỏi cảm thấy một chút mất mát khi cái vòng cung thơ mộng của eo Nín Thở đã bị doanh nghiệp phết màu thương mại. Khách hàng vào S-Blue có vẻ "thượng đế" bao nhiêu, thì du khách đi dạo eo Nín Thở lại ké né khi phải hụt chân vòng tránh bãi giữ xe dọc vỉa hè của S-Blue, kìm hãm cả sự sung sướng tự hào lẽ ra dâng tràn lồng ngực.
Lẽ nào bỏ mặc eo Nín Thở trong sự xô bồ? Xin đừng thế nhé, Quy Nhơn yêu dấu!
TTHT