VỀ HIỆN TƯỢNG “SINH CON THUẬN TỰ NHIÊN”:
“Trào lưu” nguy hiểm và phản khoa học!
Gần đây, trên một số trang mạng xã hội xôn xao về hiện tượng tuyên truyền theo trào lưu “thuận tự nhiên”. Theo đó, người mẹ mang thai tự sinh con tại nhà, tự chăm sóc, không cắt dây rốn, không tiêm vắc-xin, có bệnh không đi khám. Trào lưu “quái gở” này đang nhận sự phản ứng gay gắt của nhiều người, nhất là trong ngành y tế.
Khuyến khích sinh thường
Khi nghe câu hỏi về thông tin “sinh con thuận tự nhiên”, bác sĩ CKII Nguyễn Bích Vân Thùy, Trưởng khoa Phụ sản (BVĐK tỉnh), cho rằng đây là trào lưu lạ lùng. Rõ ràng đây là những thông tin phản khoa học, không có cơ sở gì để các bà mẹ tin và làm theo. Bởi ngay cả khi sinh tại bệnh viện, với đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị đầy đủ, người phụ nữ và đứa trẻ trong bụng còn có lúc gặp phải khó khăn, nói gì đến việc tự sinh tại nhà. Theo bác sĩ Thùy, ở góc độ nào đó, có chăng “sinh con thuận tự nhiên” chỉ nên dừng lại ở việc khuyến khích người phụ nữ sinh thường, thay vì sinh mổ, nhưng có sinh kiểu gì nhất thiết cũng phải có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Ngay cả những trẻ được sinh ra tại bệnh viện cũng có thể gặp vấn đề về sức khỏe.
- Trong ảnh: Chăm sóc trẻ sinh non tại khoa Nhi sơ sinh (BVĐK tỉnh).
Theo thông tin từ khoa Phụ sản (BVĐK tỉnh), trung bình hàng tháng tại đây có khoảng 750-800 ca sinh nở. Trong đó, khoảng 40% sản phụ sinh thường, còn lại sinh mổ. Việc sinh thường vẫn được khuyến khích, trừ khi sản phụ có trục trặc trong quá trình chuyển dạ, hoặc người mẹ có một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con. “Hiện nay, chúng tôi vẫn động viên các sản phụ sinh thường, nhưng vì một số người sợ đau, số khác gặp phải khó khăn khi sinh và những người lần đầu đã sinh mổ, nên tỉ lệ sinh mổ cao hơn sinh thường” - bác sĩ Thùy cho biết.
Nhiều rủi ro khi sinh tại nhà
Hiện nay, với sự tiến bộ của y học cùng điều kiện trang thiết bị, dụng cụ y tế ngày càng hiện đại, việc hỗ trợ phụ nữ sinh nở không còn quá khó khăn. Tuy nhiên, trong các ca sinh nở vẫn tiềm ẩn một số tai biến sau sinh thường gặp ở mẹ và bé gồm: vỡ tử cung, uốn ván rốn sơ sinh, băng huyết sau sinh, sản giật, nhiễm trùng hậu sản. Trong một số trường hợp nặng, nhân viên y tế cũng không thể ngăn chặn được tai biến sản khoa. Đó có thể là những trường hợp sản phụ chuyển dạ kéo dài, sinh thai ngược có thể gặp trục trặc trong lúc chuyển dạ, dẫn đến em bé tử vong trong bụng mẹ; em bé sau khi được sinh ra có thể bị các vấn đề về hô hấp; trẻ quá non tháng, bị suy dinh dưỡng bào thai khi nằm trong bụng mẹ…
Dẫu vậy, ở một số khu vực miền núi, nông thôn, vẫn còn một bộ phận người dân chọn giải pháp sinh nở tại nhà, với sự giúp sức của bà mụ vườn. Điều đáng lưu tâm là với kiến thức về sản khoa có hạn, những bà mụ vườn thường không để ý đến khâu vô trùng, dùng kéo cắt rốn không đảm bảo, khiến khả năng trẻ bị nhiễm trùng, uốn ván rốn sơ sinh cao. Khi đã bị nhiễm trùng, có đến 70-80% trẻ bị tử vong.
Bác sĩ CKII Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho rằng “sinh con thuận tự nhiên” là một thuật ngữ lạ, chưa từng có trong văn bản, sách vở về ngành Y. Còn việc sản phụ tự sinh tại nhà, không cần ai hỗ trợ là điều cực kỳ phản khoa học. “Trước đây, theo một số hủ tục của người đồng bào dân tộc thiểu số, người phụ nữ vì lý do nào đó bị cô lập, phải ra ngoài rừng tự sinh con. Cách đây chừng 5-10 năm, vẫn còn khoảng 20-30% phụ nữ ở các huyện miền núi trong tỉnh như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão sinh tại nhà. Tuy nhiên, họ vẫn có sự trợ giúp từ các cô đỡ thôn bản, bà mụ vườn hoặc người thân trong nhà. Đến nay tỉ lệ này đã giảm đáng kể. Ngay cả khi được hỗ trợ từ các bà mụ vườn, khả năng đảm bảo an toàn cho sản phụ và em bé cũng không cao bằng khi sinh tại các cơ sở y tế. Một phần vì khâu vô trùng còn chưa đảm bảo, phần nữa là họ không có đủ kinh nghiệm, kiến thức và trang thiết bị để xử lý khi có sự cố xảy ra. Cũng vì để kéo giảm tỉ lệ nhiễm trùng khi sinh tại nhà, ngành y tế có chương trình gói đẻ sạch, cung cấp cho phụ nữ mang thai khi đến thăm khám những dụng cụ cần thiết để dùng khi sinh nở” bác sĩ Hùng cho hay.
LÊ CƯỜNG