TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG NGƯ DÂN KHÔNG VI PHẠM VÙNG BIỂN NƯỚC NGOÀI Ở HOÀI NHƠN:
“Mưa dầm thấm lâu” có hiệu quả
Nhằm giảm và chấm dứt tình trạng ngư dân đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài, từ năm 2017 đến nay, các ngành chức năng của huyện Hoài Nhơn cũng như các địa phương trên địa bàn đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động để ngư dân không vi phạm.
Đông đảo ngư dân xã Hoài Hải lắng nghe cán bộ Đồn biên phòng Tam Quan Nam tuyên truyền về lãnh hải trong năm 2018.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến cuối tháng 2.2018, toàn huyện Hoài Nhơn có 108 tàu cá với 948 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý khi đang hoạt động trên biển làm ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân cũng như quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước. Trước thực trạng trên, từ năm 2017 huyện Hoài Nhơn đã tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền, vận động ngư dân đánh bắt hải sản không vi phạm vùng biển các nước. Cụ thể, các ngành chức năng từ huyện đến cơ sở đã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền cho bà con ngư dân vùng biển để họ hiểu và tuân thủ. Riêng hàng tháng, hàng quý, Đồn biên phòng Tam Quan Nam phối hợp với các địa phương để tuyên truyền vận động ngư dân ở từng thôn, nhất là các thôn có số lượng phương tiện khai thác hải sản nhiều, các thôn có số lượng tàu thuyền bị bắt giữ lớn để ngư dân hiểu và không vi phạm.
Trung tá Phạm Liên, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Tam Quan Nam cho biết: “Trong năm 2017, Đồn biên phòng Tam Quan Nam đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức được 27 buổi tuyên truyền có 3.380 ngư dân tham dự. Tại các buổi tuyên truyền, ngoài tuyên truyền về tình hình biển đảo của Tổ quốc, hầu hết các ngư dân đều được phổ biến về các chế tài của các nước xử phạt rất nặng với tàu cá vi phạm vùng khai thác. Do đó, có tác động rất lớn đến ngư dân. Riêng, đối với nước ta, nếu chủ tàu thuyền cố ý đưa tàu đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài sẽ bị phạt tiền từ 70 triệu đến 100 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng và giấy phép khai thác hải sản từ 3 đến 6 tháng, chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải chịu chi phí đưa ngư dân về nước, cùng với đó là không thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg và các chính sách hỗ trợ khác”.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình trạng ngư dân và tàu thuyền bị nước ngoài bắt giữ năm 2017 ở huyện Hoài Nhơn giảm đáng kể với 6 tàu/76 lao động bị bắt, giảm 19 tàu/139 lao động bị bắt giữ so với năm 2016. Ông Huỳnh Xuân Vấn, Phó chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam, nhận xét: “Việc tuyên truyền sâu sát đến từng thôn đã có tác động tích cực đến ngư dân, do đó trong năm 2017, tình trạng ngư dân đánh bắt cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ trên địa bàn xã giảm được 50% so với năm 2016. Trong năm 2018, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động cho bà con ngư dân hiểu để không còn trường hợp nào vi phạm”.
Ngay từ những tháng đầu năm 2018, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hoài Nhơn, các xã biển trên địa bàn huyện đã tổ chức gặp mặt các chủ thuyền để vận động. Đến nay đã có 4 xã Hoài Hải, Hoài Hương, Tam Quan Nam và Hoài Thanh tổ chức gặp mặt ngư dân đầu năm với gần 1.000 chủ tàu thuyền tham dự.
Ông Phạm Văn Danh, chủ tàu cá, ở thôn Diêu Quang, xã Hoài Hải, cho rằng: “Việc tổ chức gặp mặt đầu năm, cho thấy các cấp chính quyền rất quan tâm đến ngư dân. Ngư dân đi đánh bắt ngoài biển ít khi vào bờ, nhưng địa phương đã bố trí một cuộc gặp với hàng trăm chủ tàu tham gia vừa tạo cơ hội để chính quyền có thể phổ biến cho ngư dân về các chính sách pháp luật, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, vừa tạo điều kiện cho ngư dân có thể trao đổi với chính quyền về những vướng mắc, bất cập trong quá trình khai thác, đánh bắt. Theo tôi, ngoài việc tuyên truyền các quy định để giảm tình trạng khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trang bị cho các tàu cá hệ thống định vị để ngư dân nắm rõ được vị trí khai thác tránh tình trạng vi phạm”.
Còn ông Bùi Thanh Ninh, chủ của 16 tàu cá đánh bắt xa bờ, ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, nêu ý kiến: “Nhà nước cần có chính sách bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong nước. Trong đó, ban hành các quy định về mùa vụ, tổ chức lại việc phát triển đội ngũ tàu cá, bởi vì nếu cứ phát triển ồ ạt, cùng một ngư trường khai thác mà quá nhiều tàu thuyền sẽ làm cho sản lượng hải sản phân tán, các tàu thuyền không đảm bảo sản lượng. Khi nguồn lợi thủy sản được bảo vệ, tàu cá ra khơi đánh bắt có hiệu quả thì số vụ vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ giảm xuống và chấm dứt”.
ÁNH NGUYỆT