Nợ thuế bị… “treo”
570,8 tỉ đồng trong tổng số 1.169 tỉ đồng nợ thuế (tính đến cuối năm 2017, chiếm đến 48,82% tổng nợ) đã, đang và sẽ tiếp tục không thể thu hồi, cho dù ngành chức năng áp dụng đủ biện pháp cưỡng chế.
Phá sản hơn chục năm vẫn nợ!
Theo Cục Thuế tỉnh, khoản nợ này tồn tại từ năm 1990 đến nay. Trong đó, có những khoản nợ rất nhỏ, vì không tìm ra được đối tượng nợ và cũng chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu, rốt ráo, nên cứ thế “treo” từ năm này qua năm khác. Số nợ thuế liên tục tăng thêm do phát sinh tiền chậm nộp thuế (tính 0,05%/ngày trước đây, và nay là 0,03%/ngày), trong khi người nộp thuế (NNT) đã ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản.
Theo ông Nguyễn Văn Cổn, Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh), điều này đồng nghĩa, mỗi năm số nợ đọng này “cõng” thêm 60 tỉ đồng tiền chậm nộp. Trong khi đó, suốt thời gian dài chính sách nhà nước chỉ có ba lần xóa nợ: Xóa nợ đối với DN nhà nước đầu tư thiếu nguồn; xóa nợ DN nhà nước thực hiện sắp xếp lại trước 1.7.2007 theo Thông tư 34/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính và xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước 1.7.2017 theo Thông tư 179/2013/TT-BTC.
“Trong công tác quản lý nợ, cơ quan Thuế đã định rõ các tiêu chí phân loại nợ theo 3 nhóm cụ thể: nợ có khả năng thu, nợ chờ xử lý, và nợ khó thu. Đau đầu nhất vẫn là khoản nợ không thể thu cứ tăng lên theo cách tính tiền chậm nộp hiện nay khiến số nợ này ngày càng cao” - ông Cổn cho hay.
Đáng lưu ý, trong số DN nợ đọng thuế đến nay không ít trường hợp đã phá sản, giải thể, thể hiện độ “vênh” giữa chính sách và thực tế. Khoản nợ thuế quá 10 năm, cơ quan quản lý thuế đã thực hiện tất cả các biện pháp cưỡng chế thuộc trường hợp được xóa nợ. Tuy nhiên, quy định này tính đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp nào được xóa, do không đáp ứng được điều kiện “đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế”. Dẫn chứng bằng câu chuyện của Công ty Dâu tằm tơ II, hơn 10 năm có quyết định cho phá sản và giải thể, nhưng đến giờ trong hệ thống quản lý nợ đọng thuế vẫn lưu số nợ… hơn 1,9 tỉ đồng.
Tăng cường khâu giám sát
“Ôm” các khoản nợ từ năm này qua năm khác, đã áp dụng mọi biện pháp cưỡng chế nhưng không thu được nợ, vì vậy một trong những nội dung được UBND tỉnh và ngành Thuế kiến nghị nhiều nhất là quy định về xử lý xóa nợ, khoanh nợ. Điều này cũng là tiêu điểm trong dự thảo Bộ Tài chính lấy ý kiến Nghị quyết trình Quốc hội về xử lý nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi mới đây, với số tiền ước tính xóa nợ 26,5 ngàn tỉ đồng. Cụ thể, đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do NNT thực tế đã giải thể (trừ trường hợp giải thể để chia tách, sáp nhập, chuyển đổi), phá sản hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh trước 2017. Những đối tượng này không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) thu hồi giấy chứng nhận (GCN) ĐKKD.
Trường hợp chưa thu hồi GCN ĐKKD, tỉnh đề nghị khoanh nợ trong 1 năm để cơ quan cấp ĐKKD tiến hành thu hồi GCN ĐKKD theo quy định pháp luật, sau đó cơ quan thuế lập thủ tục xóa nợ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều cũng đặt ra xung quanh vấn đề xóa nợ đọng thuế. Ông Đào Hữu Phúc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho rằng: “Thông lệ các nước trên thế giới đều cho xóa nợ đối với trường hợp nợ khó thu. Do đó, Quốc hội cần xử lý xóa nợ cho các đối tượng này; đồng thời, xây dựng hệ thống pháp luật có chế tài đối với những trường hợp có ý lợi dụng để xóa nợ”..
"“Ôm” các khoản nợ từ năm này qua năm khác, đã áp dụng mọi biện pháp cưỡng chế nhưng không thu được nợ, vì vậy một trong những nội dung được UBND tỉnh và ngành Thuế kiến nghị nhiều nhất là quy định về xử lý xóa nợ, khoanh nợ. Điều này cũng là tiêu điểm trong dự thảo Bộ Tài chính lấy ý kiến Nghị quyết trình Quốc hội về xử lý nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi mới đây, với số tiền ước tính xóa nợ 26,5 ngàn tỉ đồng"
MAI HOÀNG