Như là định mệnh
* Truyện ngắn của LÝ THỊ MINH CHÂU
- Con đi nghe má. Tiếng thằng Hai nghe ướt nhè.
- Tội nghiệp nó, mẹ góa con côi! Ai đó thương hại.
- Ra tới ngoải nhớ biên thư về cho má nghen con. Má thằng Hai nói vọng theo khi thấy nó ngoái đầu nhìn lại.
Vậy là rõ rồi, thằng Hai tình nguyện nhập ngũ vào binh chủng Hải quân như cha ngày trước. Ước mơ này nó đã ấp ủ từ lâu. Ngày đó, nghe tin cha hy sinh trên đảo Gạc Ma, nó không thiết học nữa, muốn lên đường tòng quân ngay tức khắc, nhưng không ai nhận trẻ con. Mẹ, cùng ông bà nội, ngoại khuyên nhủ mãi nó mới chịu đi học lại.
- Bây giờ, muốn đi bộ đội phải có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học chứ không như ngày trước đâu con. Mẹ nó vừa đơm cơm cho nó vừa khe khẽ chuyện trò.
- Cứ tốt nghiệp là được chứ gì?
- Phải giỏi, không giỏi thì suốt đời làm lính à.
- Làm gì cũng được nhưng con phải đến Trường Sa.
- Mẹ không có cản nhưng nhà mình neo đơn…
Thằng Hai thương mẹ, thương cảnh mẹ cút côi một mình. Nó chăm chỉ học hành và đã tốt nghiệp đại học với bằng kỹ sư cơ khí loại giỏi.
Vậy là lần thứ hai bà Thu - mẹ thằng Hai - tiễn người thân ra đảo. Đứng trước hàng quân bao người, nước mắt chảy dài xuống má, cùng tiếng nấc nghẹn chực dâng trào. Hai mươi lăm năm trước, bà Thu cũng tiễn chồng ra đảo để rồi chẳng bao giờ còn có dịp gặp lại người mình thương. Khác với lần đó, lần này thằng Hai được sự ưu ái của cấp trên do cha nó đã hy sinh và nó có chuyên môn giỏi nên được biên chế vào hạm tàu hiện đại nhất của binh chủng Hải quân bây giờ. Đó là vinh hạnh vô cùng lớn lao mà đâu phải ai cũng có được.
Đứng phía sau các bà mẹ có con ra đảo lần này là họ hàng, chòm xóm, các chàng trai cô gái chung lớp chung trường. Vài cô tình nhân nhỏ khép nép bên bạn bè nhưng cố nhoài gương mặt mình ra mong ai đó nhận thấy. Tiếng còi tàu chào tạm biệt ngân dài, hàng ngàn cánh tay giơ lên vẫy vẫy. Đau lòng nhất có lẽ là Nụ, cô không đứng vững nổi dù đã bá vai bạn bè. Cô chọn cho mình một góc khuất, ngồi khóc. Thời gian như ngừng trôi, không gian như thu hẹp lại nhường chỗ cho nỗi nhớ niềm thương bung vỡ.
- Về đi con. Tiếng bà Thu nhỏ nhẹ, ngọt ngào.
Nụ sực tỉnh, ngước nhìn bà. Bến tiễn đưa yên ắng quá, chỉ còn hai người phụ nữ lặng lẽ đi bên nhau. Họ không nói với nhau nửa lời nhưng ai cũng có thể đoán được người kia đang nghĩ gì. Trong lòng bà Thu, Nụ là một cô gái nết na, thùy mị, hay lam hay làm. Tuy không mấy nhan sắc, nhưng đó là hòn đá tảng của sự chung thủy. Bà biết giữa Nụ và con trai bà tình ái chưa có gì sâu đậm, lằn ranh của sự lễ giáo nơi làng quê vẫn còn, nó không cho phép bất cứ người con gái đoan trang nào ngang nhiên bước qua. Bà cũng biết tình yêu đó là bồng bột, trai mới lớn, gái vừa thì, chẳng đi đến đâu cả.
***
Năm năm sau mới được lập gia đình là điều kiện để tuyển dụng dành cho các sĩ quan trẻ muốn công tác trên hạm tàu này. Đó là khoảng thời gian dài đầy cam go, thử thách. Là thước ngắm để xem người lính có đứng vững trên mặt trận đầy sóng gió.
Thư đi thư lại, lâu dần càng thưa thớt, tình yêu cũng vì thế mà bớt say nồng. Thằng Hai khuyên Nụ đi lấy chồng, bởi anh biết lính biển giữ được người yêu cũng gian nan như giữ thuyền không chênh chao trên sóng. Cùng lúc, người ta không thấy Nụ thường xuyên qua nhà bà Thu như trước nữa, bởi cô đã thi đậu trường Cao đẳng sư phạm trên thành phố. Xóm giềng đã có lời ra tiếng vào.
Người ta lẩn tránh tình yêu chỉ bằng một động tác đơn giản là thay đổi số sim điện thoại. Nụ cũng thế, nhưng cô không chạy trốn tình yêu. Cô muốn yên ổn học hành. Hai năm rưỡi vun vút trôi qua. Ngày ra trường, Nụ chọn đảo Song Tử Tây làm nơi công tác.
Song Tử Tây với những lớp học đặc biệt trong lòng Ủy ban xã. Dưới tán cây bàng vuông cổ thụ, tán phong ba sừng sững, tiếng học sinh ê a tập đọc xen lẫn với tiếng sóng ầm ào mà thầy cô giáo phải gào thét khản cổ các em mới nghe được. Đảo thiếu thốn mọi bề nhưng không vì thế mà các thầy cô giáo nản lòng. Đêm đêm, dưới ánh đèn năng lượng mặt trời, tiếng đàn tiếng hát vẫn át tiếng sóng.
Rồi khi phong trào viết thư cho chiến sĩ nơi đảo xa được phòng giáo dục huyện đảo phát động, Nụ là người hăng hái thực hiện. Nụ viết những lá thư thắm thiết tình người, tình quân dân. Là nguồn động viên sâu sắc cho cán bộ, chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển đảo Tổ quốc. Một trong những lá thư đó đã đến hạm tàu của Hai. Không biết cơ duyên nào xui khiến, chàng sĩ quan trẻ này đã nhanh nhảu hồi âm cho người gửi. Địa chỉ liên lạc là hòm thư của phòng giáo dục nên thời gian cho một cánh thư đi và đến tay người gửi, người nhận là rất lâu.
Khi cảm thấy yêu cầu của người lính nơi đảo xa là chính đáng và được sự đồng ý của Nụ, phòng giáo dục huyện đảo cho anh địa chỉ thật của cô: cô giáo Nguyễn Thị Mai, đảo Song Tử Tây. Với Hai thì cái tên Mai nghe lạ hoắc lạ huơ, còn cái tên Võ Trường Sa là tên thật của Hai cũng chẳng thân quen gì với Nụ. Cảm phục nhau cùng công tác nơi đầu sóng ngọn gió. Cảm thông nhau nỗi cô đơn, lạnh lẽo lúc bão tố phong ba, họ hứa sẽ gặp nhau vào một ngày biển yên sóng lặng.
Ngày về phép, Hai mới biết Nụ cũng đã xung phong ra đảo. Lại là cô giáo trên đảo Song Tử Tây thì lòng anh sóng nổi ầm ào. Qua nhà Nụ hỏi thăm, biết Nụ chính là Mai, anh càng bối rối. Tranh thủ mấy ngày phép, Hai thúc giục mẹ cậy người sang nhà Nụ dạm ngõ, hẹn sang năm đến phép sẽ làm lễ đón dâu.
Bà Giáo - mẹ Nụ - biết chuyện tình của con nên vui vẻ nhận lời. Bà có biết đâu ngày ấy sẽ không bao giờ đến, bởi cô giáo Mai mãi mãi không về, cô ra đi cùng con sóng dữ, cùng một trò nhỏ sẩy chân nơi cầu tàu trước đó vài hôm. Thân xác hai cô, trò đã hòa vào biển cả, vào lòng thương yêu của đồng bào, chiến sĩ nơi này.
Thả vòng hoa hồng tươi mua từ đất liền xuống vùng biển ngập tràn sóng trắng. Hạm tàu chào tiễn biệt cô giáo bằng ba hồi còi dài. Mưa lấp xấp rơi, vài cánh chim hải âu lượn lờ phía bên trên vòng hoa như nói lời thương nhớ. Trong lòng người ở lại bộn bề mảnh vỡ, đường phía trước rộng thênh thang nhưng giá lạnh khôn cùng. Chiều nhuộm tím những đám mây lang thang như sợ ai đó nhìn thấy, sóng cũng lặn nhường chỗ cho cô đơn mở lòng ra với bao la biển cả. Nắm chặt lan can trên boong hạm tàu, người lính nhìn về phía quê nhà nguyện cầu cho bà Giáo đủ sức vượt qua nỗi đau mất con.
Đêm đã rất khuya, những ngôi sao không để bóng tối nuốt mất mình kịp sáng bừng lên rực rỡ như nói với người lính hãy mạnh mẽ bước qua những đau thương. Gác lại buồn đau, anh bật cười khi nghĩ đến cuộc hẹn hôm nào với người tình rất đỗi thân quen mà ngỡ như vô cùng xa lạ. Định mệnh, chắc thế…!
L.T.M.C