Ấn tượng lễ trao giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông năm 2017
Chiều 19.3, tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông đã tổ chức Lễ trao "Giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông năm 2017" với sự tham dự của thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ, Hội đồng Giám khảo, các tác giả có bài viết đoạt giải thưởng, đại diện các nhà tài trợ Quỹ.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng trao giải. (Nguồn: Bộ Ngoại giao)
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, tiến sỹ Trần Trường Thủy cho biết Giải thưởng năm 2017 bao gồm các bài nghiên cứu, chuyên đề, luận văn cao học; công trình nghiên cứu; giải báo chí viết về Biển Đông trong năm 2017 với các thể loại (báo hình, báo viết, báo truyền thanh và báo điện tử).
Các bài dự thi năm 2017 đa dạng hơn, thể hiện nhiều nội dung về chính trị, kinh tế, pháp lý, truyền thông, giáo dục, lịch sử, chính sách của Việt Nam. Các tác giả tham gia phần lớn là các nhà nghiên cứu trẻ, đang công tác, học tập tại các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và nước ngoài như Anh, Hoa Kỳ, Đức...
Đánh giá chung về chất lượng các tác phẩm tham dự giải thưởng, phó giáo sư-tiến sỹ-Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, cho biết năm 2017, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông nhận được 57 công trình nghiên cứu và tác phẩm của 65 tác giả thuộc hai thể loại: công trình nghiên cứu cơ bản và công trình báo chí. Các tác phẩm dự thi bằng tiếng Việt và tiếng Anh, có chất lượng tốt. Một số công trình nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc. Trong lĩnh vực báo chí, nhiều tác phẩm có giá trị, lan tỏa trực tiếp tới dư luận trong và ngoài nước. Độ tuổi của các tác giả đã được trẻ hóa, điều đó cho thấy, sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam trong và ngoài nước đối với công tác nghiên cứu về Biển Đông hiện nay. Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Văn Cương mong muốn các nhà nghiên cứu, học giả cùng các nhà báo đoạt giải thưởng sẽ tiếp tục học tập, nghiên cứu để có thêm nhiều tác phẩm có chất lượng hơn nữa trong thời gian tới. Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông cần phối hợp với các ban, ngành liên quan tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về Biển Đông, nhằm thu hút sự tham ra đông đảo của các trường đại học, góp phần củng cố các cơ sở lập luận của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, thúc đẩy phát triển hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông bày tỏ sự vui mừng khi chất lượng của các công trình dự giải ngày càng cao. “Quỹ tổ chức giải thưởng nhằm khuyến khích các nhà nghiên cứu, sinh viên, nhà báo tham gia nghiên cứu và nuôi lửa nhiệt tình nghiên cứu về Biển Đông, không bị nguội, không bị giảm,” Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý nhấn mạnh. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý cho rằng trong thời gian tới, các công trình nghiên cứu cần được tuyên truyền rộng rãi, đưa vào giảng dạy, đồng thời trở thành những nguồn tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách nhằm triển khai trong thực tế. Thay mặt cho các tác giả đoạt giải, chị Trần Thị Phương Thảo (sinh viên Đại học George, Washington, Hoa Kỳ) bày tỏ niềm vinh dự, đồng thời đánh giá cao sự nhiệt tình và công tâm của Hội đồng chấm giải. Theo chị Trần Phương Thảo, đây là cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm quý báu giữa những nhà nghiên cứu, chuyên gia, sinh viên, nhà báo; đồng thời giúp thu nạp thêm kiến thức, theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học, đóng góp nhất định vào công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Các cá nhân và nhóm đạt giải. (Nguồn: Bộ Ngoại giao)
Với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam trong thời gian tới, Tiến sỹ Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông đã phát động "Giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông năm 2018." Thông tin chi tiết về chương trình hoạt động của Quỹ sẽ được đăng tải trên website của Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông.
Ban Tổ chức đã chọn lọc và trao “Giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông 2017” cho 17 tác phẩm, bài nghiên cứu, công trình nghiên cứu xuất sắc nhất. Trong đó, năm tác phẩm được trao giải “Báo chí về Biển Đông” (trị giá 20 triệu đồng/giải); 11 bài nghiên cứu được trao giải “Bài nghiên cứu về Biển Đông” (trong đó có ba bài nghiên cứu đạt Giải đặc biệt xuất sắc trị giá 20 triệu đồng/giải; tám bài nghiên cứu đạt Giải xuất sắc trị giá 15 triệu đồng/giải) và một công trình nghiên cứu được trao giải “Công trình nghiên cứu Biển Đông” (trị giá 50 triệu đồng)./.
Theo NGUYỄN HỒNG ĐIỆP (TTXVN/VIETNAM+)