Nhiều điểm mới trong quản lý an toàn thực phẩm
Chiều 19.3, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế họp báo thông tin về một số điểm mới của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (có hiệu lực từ ngày 2.2.2018) của Chính phủ.
Nhiều điểm mới trong quản lý an toàn thực phẩm Nghị định 15/2018/NĐ-CP về ATTP đã cởi trói cho cộng đồng doanh nghiệp.
90% sản phẩm được tự công bố
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, Nghị định 15 đã thay đổi cơ bản phương thức quản lý thực phẩm ở Việt Nam. Trong đó, có 11 nội dung gần như thay đổi; thay đổi từ phương thức công bố đến phương thức đăng ký tự công bố, đến kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, điều kiện vệ sinh, quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo thực phẩm. Việc điều chỉnh nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp song vẫn trên cơ sở lấy việc đảm bảo sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu.
Một trong những điểm quan trọng nhất của Nghị định 15/2018/NĐ-CP là trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nếu như quy định cũ yêu cầu doanh nghiệp phải xin xác nhận từ cơ quan Nhà nước thì nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của mình và nộp một bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, doanh nghiệp được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm, đồng thời chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin đã công bố và mức độ an toàn của sản phẩm đó.
"Như vậy, có đến khoảng 90% sản phẩm được tự công bố. Quy định này nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giám sát theo phương thức quản lý rủi ro, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm”, ông Phong nhấn mạnh.
Cắt giảm nhiều thủ tục
Một điểm mới khác của Nghị định 15/2018/NĐ-CP là đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm tra sang hậu kiểm, nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu (trừ các trường hợp có cảnh báo về ATTP) gồm: Sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. Sản phẩm mang theo người nhập cảnh, gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi của người nhập cảnh để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyến đi; quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế. Sản phẩm nhập khẩu dùng cho cá nhân của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.
Sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan. Sản phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân. Sản phẩm sử dụng để trưng bày hội chợ, triển lãm. Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, Nghị định đã phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối.
Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào thì cơ quan đó quản lý.
Đối với cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên (trừ chợ đầu mối, đấu giá nông sản) do ngành Công Thương quản lý.
Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP để thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo Thanh Tra