Hạnh phúc mỗi ngày
Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3, thông qua lăng kính của nhiều số phận khác nhau, chúng ta cùng ngẫm về hạnh phúc để mỗi ngày đều là một ngày hạnh phúc.
Hạnh phúc ở quanh mình, hãy tìm hạnh phúc trong chính bản thân mình, đó là chân lý đã được chứng nghiệm. Yêu thương là nền tảng đầu tiên của hạnh phúc. Một con người bắt đầu hạnh phúc khi biết yêu thương chính bản thân mình, sau đó là yêu thương những người trong gia đình, dòng tộc.
Hạnh phúc gia đình là một trong những nền tảng để làm nên cộng đồng hạnh phúc. Ảnh: SƠN PHẠM
Đừng “đóng khung” hạnh phúc
Không có một khái niệm cụ thể nào về hạnh phúc cho tất cả mọi người. Thế nhưng, nếu cứ một mực cho rằng “hạnh phúc là phải như thế này, như thế kia; nếu không được như thế này, thế kia thì không có hạnh phúc” thì ta đang tự “đóng khung” hạnh phúc của mình và đánh mất nhiều cơ hội để hạnh phúc khác.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (47 tuổi, ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn), một người mẹ có con mắc chứng tự kỷ, từng chia sẻ quan niệm tương tự về hạnh phúc. Chị bảo: “Nếu cứ khăng khăng nghĩ rằng con phải hoạt bát lanh lẹ, phải đạt điểm 9, điểm 10, đi thi học sinh giỏi..., có lẽ tôi sẽ luôn thấy mình bất hạnh. Nhưng khi ngộ ra, mỗi đứa trẻ đến với cuộc đời mình đều là hạnh ngộ, ngừng so sánh hay đòi hỏi con như những đứa trẻ khác mà thay vào đó giúp con phát triển hết mức trong khả năng của chúng, tôi thấy mình hạnh phúc”.
Hạnh phúc vẫn ở đấy và đang chờ chúng ta thay đổi cách nhìn, thay đổi tư duy để tìm thấy nó. Như có lần chị Nguyễn Thị Gái (40 tuổi, thôn Hữu Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), một người khuyết tật vận động, hiện là thành viên của một nhóm nhạc khuyết tật tại Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga, bỏ nhỏ với tôi: “Phải thôi trách móc số phận, cuộc đời vì những khiếm khuyết của mình. Hạnh phúc giản dị đến với mình khi tìm thấy đam mê, được sống với đam mê dù cho còn có muôn vàn khó khăn”.
Để thực hiện bài viết này, tôi buộc mình phải đến nhiều nơi, tìm gặp nhiều người, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Tại khoa Lão (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, Bộ Y tế), tôi từng bắt gặp được nét hồn hậu và hạnh phúc của các cụ ông, cụ bà. Ở nơi không có gia đình, nhiều năm liền không được gặp lại người thân, xung quanh là những dáng người hao mòn vì bệnh tật, điều gì đã làm các bà rạng rỡ đến vậy? Cụ bà Trần Thị Khuyến (86 tuổi) tiết lộ: “Lý do để mọi người ở đây cảm thấy hạnh phúc đơn giản lắm. Là chiếc tivi cũ vẫn hoạt động bình thường mỗi ngày để có thể xem tin tức. Là trời nắng dịu, gió từ biển thổi vào mát rượi, mấy bà già, ông già ngồi nói chuyện, mừng với nhau vì hôm nay ăn vẫn thấy ngon, vẫn đi lại được dù chậm chạp...”.
Tôi từng đọc đâu đó rằng: nếu bạn có 3 bữa ăn đầy đủ mỗi ngày, hoặc mỗi tối bạn được ngả lưng trên chiếc giường êm ấm của mình, bạn đã hạnh phúc hơn 3 tỉ người khác trên thế giới này. Có lẽ ta nên nhắc nhở nhau, hạnh phúc bắt đầu bằng những xung quanh, ở ngay trong chính bạn, để ngay trong lúc khó khăn, gian nan, ta vẫn tìm thấy hạnh phúc để tự cân bằng.
Nền tảng yêu thương
Anh Từ Thanh Phong (Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, CA tỉnh), một trong 20 gia đình tiêu biểu của tỉnh chia sẻ: “Trước những khó khăn, mâu thuẫn, giận hờn của cuộc sống gia đình, chúng tôi thường mang câu nói của đôi vợ chồng thương binh được biết qua sóng truyền hình để nhắc nhở nhau: Chúng ta không có đủ thời gian để yêu thương nhau, sao phải phí hoài trong giận hờn. Tôi mong mọi người trước khi tức giận với người thân hãy đặt câu hỏi: liệu còn bao nhiêu thời gian để yêu thương nhau?”.
30 năm làm việc tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Định, bác sĩ Đỗ Phúc Thanh tâm niệm: Chữa bệnh cho người cần song hành giữa chuyên môn và tình yêu thương. Tiếp xúc với những bệnh nhân lao đang bị xã hội xa lánh, thiếu sự chăm sóc của người nhà, ông càng trân quý hạnh phúc gia đình của mình, tự nhắc nhở mình giữ vững tâm đức, sự kiên nhẫn dành cho bệnh nhân.
“Cúi xuống” với những số phận thiếu may mắn để thấy mình hạnh phúc hơn và giúp những người khác hạnh phúc cũng là lý do mà rất nhiều người với nhiều hoàn cảnh khác nhau đang trở thành những tình nguyện viên của các tổ chức thiện nguyện xã hội. Như bà Hà Thị Phụng (56 tuổi, ở thôn Định An, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh), người thức khuya dậy sớm, góp công cho bếp ăn tình thương huyện. Hay ông Bùi Sính (Việt kiều Úc) dành kỳ nghỉ Tết Ất Mùi - 2015 tại quê hương để trao những thùng sữa đến với trẻ em Làng trẻ em SOS Quy Nhơn, bệnh nhi tại BVĐK tỉnh. Như bà Nghiêm Diệu Ngọc (Việt kiều Mỹ) dành hơn 100 triệu đồng từ sự ủng hộ của gia đình, bạn bè tại Mỹ để tặng những người mù nghèo trong lần về quê ăn Tết...
NGUYỄN MUỘI