Vân Canh: “Nóng” tình trạng sinh con thứ 3
Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện Vân Canh đang có chiều hướng gia tăng, trong đó, năm 2017 tăng gần 6% so với năm 2016. Thực trạng này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho ngành DS - KHHGÐ huyện Vân Canh và các địa phương trên địa bàn huyện trong việc nâng cao chất lượng dân số, xóa đói giảm nghèo.
Theo thống kê của Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Vân Canh, năm 2017, toàn huyện có 515 trẻ được sinh ra; trong đó, 84 trẻ là con thứ 3 trở lên, chiếm hơn 16,3%, tăng gần 6% so với năm 2016. Đáng chú ý, chỉ có thị trấn Vân Canh giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên; 6 xã còn lại đều có tỉ lệ tăng so với năm 2016, gồm: Canh Hòa (tăng 11,6%), Canh Liên (tăng 9,6%), Canh Hiệp (tăng 8,9%), Canh Vinh (tăng 6,8%), Canh Hiển (tăng 6,1%) và Canh Thuận (tăng 4%). Việc tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên gia tăng dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống của người dân, tạo áp lực lớn đối với công tác an sinh xã hội.
Một buổi truyền thông, thăm khám sức khỏe sinh sản cho phụ nữ tại xã Canh Hiển.
Đặc biệt, không chỉ nhiều người dân chưa quan tâm đến chính sách DS - KHHGĐ, mà không ít đảng viên và người giữ chức vụ trong thôn, làng cũng phớt lờ quy định. Năm 2017, huyện Vân Canh có 3 đảng viên và 1 trưởng làng sinh con thứ 3 trở lên.
Bà Nguyễn Thị Trung Mỹ, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Vân Canh, cho biết: Trung tâm thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, truyền thông về những hệ lụy của việc sinh con thứ 3 trở lên. Cán bộ dân số xã, thị trấn và các cộng tác viên dân số đến tận nhà người dân, tập trung tuyên truyền đối với những gia đình đã có 2 con gái để họ thay đổi nhận thức. Trung tâm cũng tăng cường triển khai việc hỗ trợ kinh phí cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27.4.2015 (mỗi gia đình sinh 1 hoặc 2 con được hỗ trợ 2 triệu đồng).
Tuy nhiên, do tâm lý, tập quán thích có đông con, đẻ nhiều con để tăng nhân lực lao động, sinh con “có nếp, có tẻ”, sinh con trai nối dõi tông đường nên nhiều gia đình vẫn sinh con thứ 3 trở lên. Bên cạnh đó, hiện rất nhiều người, kể cả cán bộ, đảng viên có sự hiểu nhầm về chính sách dân số, cho rằng quy định mới là được “đẻ thoải mái”, đã khiến việc kiểm soát tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trở nên khó hơn. Ngoài ra, nguồn kinh phí truyền thông, tuyên truyền bị cắt giảm trong năm 2016 - 2017; kinh phí chi trả cho cộng tác viên dân số ở thôn, làng không kịp thời cũng làm công tác ngăn ngừa, hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên chưa như mong muốn.
Theo bà Mỹ, để “giảm nhiệt” việc sinh con thứ 3 trở lên, thời gian tới, Trung tâm phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương tăng cường truyền thông về công tác DS - KHHGĐ thông qua hình thức nói chuyện chuyên đề; trực tiếp tới các hộ gia đình tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, lồng ghép các buổi sinh hoạt nhóm của phụ nữ để nâng cao hiểu biết về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho hội viên phụ nữ; vận động, tư vấn các cặp vợ chồng sinh con một bề, đã sinh 2 con thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số 39/2015; tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không sinh con thứ 3 trở lên để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Còn theo ông Đặng Văn Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, về lâu dài, để thực hiện hiệu quả chính sách DS - KHHGĐ, các thôn, làng cần đưa chính sách DS - KHHGĐ thành tiêu chí thi đua đánh giá các gia đình thực hiện hương ước hàng năm. Bên cạnh đó, cá nhân, tập thể lãnh đạo các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước việc để gia tăng tỉ lệ sinh con thứ 3 tại địa phương.
CÔNG LUẬN