Cát Khánh: Vơi nỗi lo ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài
Với hơn nửa số tàu cá của xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) đậu chủ yếu là các tỉnh phía Nam, công tác tuyên truyền ngư dân không vi phạm lãnh hải nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Song, các đơn vị chức năng đã nỗ lực để hạn chế vi phạm.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, Cát Khánh có 3 tàu vi phạm lãnh hải Indonesia bị bắt (thôn Chánh Lợi 2 tàu, thôn Ngãi An 1 tàu). Càng “sốc” hơn, khi nghe tin một chủ tàu kiêm thuyền trưởng là dân Ngãi An cùng một ngư dân khác liều lĩnh cướp tàu của nước bạn để chạy trốn.
Đồn Biên phòng Đề Gi tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm lãnh hải nước ngoài.
Người “to gan” đó là anh Lê Đình Chiểu. Chạy thoát về địa phương, anh Chiểu bị xử lý hành chính, kiểm điểm trước dân. Xong, lại tiếp tục lênh đênh trên biển để kiếm tiền nuôi con, trả nợ. Con tàu bị bắt được mua từ nhiều khoản vay, mượn. Vợ anh Chiểu nhẩm tính, nợ quỹ tín dụng 120 triệu đồng; nợ gốc rồi “lãi mẹ sinh lãi con” ở tiệm vàng gần 100 triệu đồng và còn mượn nhiều người nữa... Tiền dầu không được hỗ trợ bởi tàu vi phạm. Trắng tay, nợ nần chồng chất, nên chị chỉ biết lắc đầu khi nghe nhắc đến khoản phạt hành chính theo quy định.
Sau khi anh Chiểu bỏ trốn, phía Indonesia đã 2 lần trả về 6 người đi bạn, giữ lại 2 thuyền trưởng. Ngày 11.6.2017, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh Trần Bá Đăng lặn lội vào Nam nhận 4 người (2 người còn lại được trả về trước Tết). Trên chuyến xe trở về, ông Đăng được nghe họ kể cặn kẽ về chuyến biển “để đời” ấy. Nhiều tàu cá cùng mải mê trước vùng biển đầy cá, cứ lấn thêm, lấn thêm chút nữa, đến khi bị vây bắt thì đã không kịp quay đầu. “Nhiều người sắm tàu cũ, chỉ cần qua lén trót lọt vài chuyến là đã “trúng mánh”, không chỉ trả hết nợ mà còn có lãi nên ham”, ông Đăng nói.
3 bến đỗ truyền thống của ngư dân Cát Khánh là Bình Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang. Mỗi năm, ngư dân thường chỉ về quê vào 2 dịp: Tết Nguyên đán và lễ cầu ngư (10.4 âm lịch). Lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương chỉ quản lý phương tiện và con người trên giấy tờ. Không gặp trực tiếp thuyền trưởng và những người đi bạn, việc tuyên truyền, vận động hết sức khó khăn.
Trước diễn biến bất thường của tình hình ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài, Đồn Biên phòng Đề Gi đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Cát ban hành Chỉ thị 15-CT/HU về việc ngăn chặn ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài tại các xã tuyến biển huyện Phù Cát. Sau đó, UBND huyện Phù Cát cũng ban hành văn bản về việc triển khai một số giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Nhiều giải pháp quyết liệt đã được đặt ra. Trong đó, yêu cầu UBND các xã ven biển chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của xã phối hợp với các cơ quan, Mặt trận và các đoàn thể của huyện, Đồn Biên phòng Đề Gi theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động một cách thiết thực, hiệu quả, tránh tình trạng hình thức, thiếu đồng bộ hoặc “đầu voi đuôi chuột”. Đưa nội dung công tác “ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ” vào tiêu chí xét thi đua hằng năm của từng cơ quan, đơn vị.
Đồn Biên phòng Đề Gi cũng thống kê danh sách tàu thuyền vi phạm lãnh hải bị nước ngoài bắt giữ theo đơn vị xã, thôn; công khai tại Đồn, đài truyền thanh, trụ sở UBND các xã và trụ sở từng thôn có tàu thuyền vi phạm. Các hoạt động tuyên truyền, vận động cũng được thay đổi theo hướng phù hợp với tình hình thực tế. Chính trị viên Đồn Biên phòng Đề Gi Mai Văn Tin cho biết, tại Cát Khánh, người thân của các chủ tàu (thuyền trưởng) vắng mặt ở địa phương đều phải ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác, đánh bắt hải sản trái phép. Đơn vị cũng phối hợp với hội LHPN thành lập CLB Phụ nữ với công tác bảo vệ an ninh tuyến biển ở Cát Khánh.
Nhờ các biện pháp đồng bộ, quyết liệt, từ giữa năm 2017 đến nay, chưa có thêm tàu nào của Cát Khánh vi phạm lãnh hải nước ngoài bị bắt giữ.
MAI LÂM