Bỏ điểm sàn - thể hiện trách nhiệm với người học
Một trong những thay đổi bổ sung trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 được các trường và người học quan tâm nhất là Bộ GD&ĐT sẽ giao cho các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, cùng với yêu cầu công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Đây là điểm mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ được xã hội đánh giá cao vì có như vậy, các trường mới thể hiện trách nhiệm trước người học và xã hội một cách toàn diện nhất.
Trách nhiệm với người học
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018, một quyết định được các chuyên gia tuyển sinh và quản lý nhiều trường đại học đánh giá cao là Bộ GD&ĐT đã mạnh dạn giao cho các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nhưng yêu cầu phải công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng...
Điểm mới trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 được nhận định là kịp thời và hướng đến việc các trường sẽ phải có trách nhiệm hơn với người học và xã hội vì khi được quyền chủ động xây dựng ngưỡng điểm đầu vào cho mình để lôi kéo thí sinh thì việc xác định sàn quá thấp cũng là hạ thấp uy tín của mình đối với người học và xã hội.
PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội - cho rằng: “Để các trường thể hiện trách nhiệm tự chủ của mình trong việc tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cũng là giúp các trường khẳng định uy tín với người học và xã hội.
Đây là thể hiện quyền và trách nhiệm tự chủ của các đại học, những lo lắng ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường đại học tôi cho rằng không đáng có vì thực tế là trường nào người học đó, nếu muốn có thương hiệu tốt thì việc xác định điểm sàn thế nào, thấp cao chính là việc bảo vệ uy tín của mình. Chính vì thế việc đưa ra một ngưỡng điểm sàn hợp lý cũng là đảm bảo chất lượng của trường mình”.
Uy tín làm nên thương hiệu
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, việc bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) hầu như không tác động tới các trường công lập thuộc tốp đầu, vì các trường này có đưa ra điểm sàn thì cũng chỉ là ngưỡng mang tính tham khảo để nhận hồ sơ chứ thực chất là các trường này lấy trên ngưỡng sàn rất nhiều.
Chịu tác động mạnh nhất chủ yếu là các trường ngoài công lập và các trường tốp dưới, hay các đại học địa phương. Vậy vấn đề điểm sàn suy cho cùng là tập trung vào số những trường này, đã có nhiều phân tích đưa ra cho dù ngưỡng điểm sàn thấp thì cũng không thay đổi được cục diện tuyển sinh của những trường khó khăn bởi vì chất lượng và uy tín của những trường này chưa cao, chưa hấp dẫn người học.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định - phân tích thêm: “Chính uy tín về chất lượng sẽ làm nên thương hiệu và tạo sức hút người học đối với các trường. Vì vậy, để thu hút người học, cần phải tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo. Thực tế cho thấy, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thí sinh có rất nhiều kênh thông tin để tham khảo. Họ sẽ tự biết đánh giá và lựa chọn một cơ sở đào tạo nào phù hợp và uy tín với mình.
Chắc chắn một điều là trường nào đó có chất lượng đào tạo thấp thì dù điểm ngưỡng thấp đến mấy cũng không thu hút được người học. Tôi cho rằng, quy chế mới của Bộ GD&ĐT giao cho các trường tự xác định điểm sàn thì cũng đồng nghĩa với việc các trường tự biết cách làm “thương hiệu” cho mình, đừng vì đưa ra một mức điểm quá thấp mà người học rời xa”.
Thực tế hiện nay, mỗi trường lại có sự đa dạng và đặc trưng riêng về ngành, nghề, thế nên việc quy định một ngưỡng sàn chung cho tất cả các ngành là chưa hợp lý. Để có nguồn tuyển tốt, vấn đề đặt ra lúc này cho các trường là lựa chọn ngưỡng điểm sàn sao cho phù hợp, phải tạo dựng thương hiệu tốt cho mình. Không nói gì những trường đại học tốp đầu, thực tế là có rất nhiều trường đại học địa phương, đại học ngoài công lập … đã tạo sức hút rất tốt với người học như Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM); Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng); Trường Đại học Thăng Long (Hà Nội)…
Theo Dĩ Hạ (GD&TĐ)