Kinh tế Việt Nam 2018 sẽ khả quan hơn
Trước bối cảnh tăng trưởng kinh tế năm 2017 đã vượt chỉ tiêu đề ra, hầu hết các nhận định của giới chuyên gia ở thời điểm sắp kết thúc quý I/2018 đều tỏ ra khá lạc quan khi tin rằng năm nay sẽ là một năm nhiều thuận lợi cho giới doanh nghiệp.
Hiệu ứng tích cực từ thế giới
Những phân tích và trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 tổ chức ngày 19.3 tại TPHCM cho thấy Việt Nam sẽ nhận được nhiều tác động tích cực từ xu hướng chuyển động chung của thế giới.
Ảnh minh họa
Tại châu Á, một trong những nền kinh tế hàng đầu là Nhật Bản sau gần 2 thập kỷ trì trệ đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại suốt 2 năm qua. Mối quan ngại về hiện tương “hạ cánh cứng” của kinh tế Trung Quốc cũng không xảy ra như nhiều lo ngại trước đó. Liên minh châu Âu (EU) thì gần như đã thoát ra khỏi thời điểm khó khăn nhất. Tương tự, nền kinh tế Mỹ cũng đón nhận hàng loạt thay đổi về chính sách thuế theo hướng khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp.
Chi phí nhân công cho sản xuất tại các nền kinh tế mới nổi nói chung, Việt Nam nói riêng vẫn ở mức thấp. Thêm vào đó, lạm phát của Mỹ và EU sẽ rất ổn định (ước tính chỉ xoay quanh 2%). Tất cả những yếu tố ấy sẽ tạo nên bầu không khí kinh tế tích cực lan tỏa sang rất nhiều nền kinh tế khác, nhất là những thị trường được xem là đã hội nhập sâu rộng như Việt Nam.
Theo TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nhìn từ trong nước, lòng tin của nhà đầu tư tiếp tục được cải thiện. Các cân đối vĩ mô dự kiến sẽ ở trong trạng thái ổn định suốt năm 2018. Tất nhiên, dự báo cho thấy lạm phát năm nay có thể cao hơn năm trước, nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát của các nhà điều hành chính sách.
Về khía cạnh vi mô, giá cả các yếu tố đầu vào cơ bản của nền kinh tế cũng không có biến động đáng ngại. Bởi mặt bằng chung của loại hàng hóa quan trọng như dầu thô dù có nhích lên nhưng vẫn ở mức thấp. Theo đó, giá dầu bình quân cả năm 2018 - nhờ phát kiến công nghệ khai thác hiệu quả dầu đá phiến - dự báo chỉ dao động từ 60 - 65 USD/thùng. “Cán cân vãng lai, cán cân thanh toán cơ bản sẽ ở trạng thái tốt”, ông Ngoạn nhận định thêm.
Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch cũng tin rằng GDP năm nay hoàn toàn có thể tăng được 7% so với 2017; kỳ vọng kinh tế quý I/2018 sẽ giữ vững đà tăng của quý IV/2017, tức không còn tình trạng cứ quý I năm nay lại tăng chậm hơn quý IV năm trước. “Tôi cũng hy vọng giai đoạn 2016-2020, kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn 2011-2015, chấm dứt xu hướng cứ 5 năm sau thì tăng trưởng lại chậm hơn 5 năm trước”, ông Lịch tin tưởng.
Mặt bằng lãi suất sẽ giảm thêm ra sao?
Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, một trong những mối quan tâm thường trực là mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm đi ra sao. Liệu có quá khó khăn khi lạm phát trong nước có xu hướng tăng cao, còn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn chủ trương sẽ tiếp tục tăng lãi suất đồng bạc xanh?
Trả lời cho câu hỏi quá lớn với rất nhiều biến số khó lường, ông Vũ Viết Ngoạn cho hay năm nay điều kiện để giảm lãi suất sẽ khó khăn hơn so với 2017 do sức ép của lạm phát lẫn lãi suất đồng USD. Và trên hết, Việt Nam còn đang theo đuổi chính sách tiền tệ đa mục tiêu. Theo đó, nhà điều hành vừa phải giữ cho chênh lệch lãi suất VND và USD đủ hấp dẫn để người dân không tích trữ ngoại tệ, vừa phải giữ chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra ở mức hợp lý để các ngân hàng thương mại có đủ trích lập dự phòng trang trải dần nợ xấu trước đây.
Giảm lãi suất huy động để có cơ sở giảm lãi suất cho vay cũng không phải là lựa chọn được ưu tiên, bởi khi lãi suất tiết kiệm “chẳng đáng” thì dòng tiền lại đổ vào các kênh hàm chứa nhiều rủi ro như chứng khoán hay bất động sản.
Lẽ đương nhiên, là người kinh doanh ai cũng muốn giảm lãi suất để hạ chi phí đầu vào nhưng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nhìn chung vẫn kinh doanh trên cơ sở vay nợ thì đây là điều rất khó thực hiện. Thật vậy, Nhà nước muốn đầu tư cũng đi vay trái phiếu, DN muốn kinh doanh cũng đi vay ngân hàng. Và ngành ngân hàng kiêm luôn cả vai trò cung ứng vốn ngắn hạn, trung hạn, lẫn dài hạn cho nền kinh tế, tức quan hệ cung - cầu tín dụng tùy thuộc rất lớn vào ngân hàng thương mại. Do vậy, theo TS. Trần Du Lịch, nếu muốn giảm thêm lãi suất “chỉ còn cách Ngân hàng Nhà nước phải mở rộng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất tái chiết khấu cho ngân hàng thương mại - mà điều này lại ảnh hưởng tới lạm phát”.
Thay vào đó, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng DN phải dần “tự lực cánh sinh”, tái cơ cấu lại tình hình tài chính, giảm bớt nợ vay ngân hàng, “mặt bằng lãi suất giữ nguyên như cuối năm 2017 đã là quá tốt, nếu cố gắng lắm cũng có thể chỉ giảm đi chút đỉnh mà thôi”, ông Lịch dự đoán.
Trong một cân đối vĩ mô khác có mối quan hệ chặt chẽ với lãi suất là tỷ giá, các nhà phân tích đều chung quan điểm khi nhận định dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) đang hồ hởi kéo vào Việt Nam chính là điều kiện thuận lợi cho ổn định tỷ giá - một trong những cơ sở để kiềm chế sự “rung lắc” của lãi suất.
Theo Phương Hiền (Chinhphu.vn)