NGÀY KHÍ TƯỢNG THẾ GIỚI NĂM 2018:
“Sẵn sàng với thay đổi thời tiết, ứng phó thông minh với khí hậu”
Các hình thế thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ… đã và đang gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng cường độ và tần suất các hình thế thời tiết cực đoan. Do đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã chọn chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới 23.3.2018 là “Sẵn sàng với thay đổi thời tiết, ứng phó thông minh với khí hậu”.
Trạm đo mực nước tự động An Thái - Nhơn Phúc (TX An Nhơn) thuộc hệ thống quan trắc cảnh báo lũ sớm.
Năm 2017 là một trong 3 năm nóng nhất trong lịch sử, và là năm nóng nhất mà không có El Nino. Biến đổi khí hậu kéo dài do phát thải khí nhà kính đưa hành tinh của chúng ta tới một tương lai nóng hơn, thời tiết khắc nghiệt hơn. Mùa bão năm 2017 khá phức tạp, có đến 16 cơn bão và 5 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Do đó, cần có sự chuẩn bị ứng phó với thời tiết và khí hậu cực đoan thông qua các hệ thống cảnh báo sớm thiên tai nguy hiểm một cách nhịp nhàng và đồng bộ hơn. Cần phải thiết lập một mạng lưới quan sát rộng khắp và đủ dày - đây là điều bắt buộc để cung cấp dữ liệu hỗ trợ công tác dự báo và cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan.
Sự giảm thiểu lớn về mất mát con người và tài sản do những biến động thời tiết khắc nghiệt trong 30 năm qua chủ yếu là do tính chính xác ngày càng cao của hệ thống dự báo và cảnh báo thời tiết; sự phối hợp tốt hơn với các cơ quan quản lý thiên tai, cùng với khả năng chống chọi và thích nghi của xã hội đối với các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan.
Hiện nay, mạng lưới trạm khí tượng, thủy văn (KTTV) của nước ta vừa ít, lại phân bố không đều và chưa hợp lý, không đảm bảo được những thông tin cần thiết để theo dõi tình hình mưa. Tại Bình Định, mạng lưới trạm KTTV còn thưa thớt và phân bố không đều, chỉ có 3 trạm khí tượng nhưng đều đặt ở vùng đồng bằng, vùng núi chưa có trạm khí tượng nào. Bình Định có 4 con sông chính nhưng do quy hoạch các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nên chỉ có 2 sông có trạm thủy văn ở thượng lưu, còn lại chỉ đo đạc phục vụ vào mùa lũ.
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng một số trạm quan trắc mực nước, đo mưa tự động, hệ thống quan trắc cảnh báo lũ sớm... nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Do đó, trong kế hoạch hiện đại hóa ngành những năm tới trên địa bàn tỉnh, cần gia tăng mật độ và tự động hóa hệ thống quan trắc KTTV nhằm cung cấp số liệu chính xác. Cần kịp thời phục vụ công nghệ dự báo bằng mô hình số, công nghệ dự báo mưa, lũ hiện đại; đổi mới và tăng cường năng lực hệ thống xử lý, lưu trữ, truyền tin phục vụ dự báo KTTV; nâng chất lượng dự báo KTTV phục vụ cộng đồng.
Từ đầu năm 2018, Đài KTTV tỉnh đã đưa vào thực hiện mô hình dự báo điểm, dự báo các yếu tố khí tượng cho 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với thời hạn 10 ngày. Thời gian tới, khi rada thời tiết Vũng Chua đưa vào hoạt động, sẽ giúp cho công tác dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.
LƯƠNG NGỌC LŨY
(Ðài KTTV Bình Ðịnh)