TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP HOÀI ÂN:
Tập trung phát triển các lĩnh vực có lợi thế
Quy hoạch và hỗ trợ đầu tư phát triển các lĩnh vực có lợi thế, Hoài Ân nỗ lực thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Hộ ông Nguyễn Văn Đông, ở xã Ân Tín có thu nhập cao từ vườn bưởi da xanh.
Ông Nguyễn Tấn Trung, ở xã Ân Tường Tây, trồng 100 gốc bưởi da xanh và có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ vườn bưởi. “Bưởi da xanh hợp với đất đai và thời tiết ở đây. Dịp Tết Mậu Tuất 2018, gia đình tôi đã thu được hơn 50 triệu đồng tiền bưởi”, ông Trung cho biết. Hộ ông Thái Công Viên, ở xã Ân Phong, thì có thu nhập cao từ mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới diện tích 1.000 m2 và trồng hoa cảnh. “Tết vừa qua, gia đình tôi thu trên 100 triệu đồng nhờ bán rau và hoa”, ông Viên thổ lộ.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng bền vững là một trong những giải pháp thực hiện đề án tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp của huyện. Trên lĩnh vực trồng trọt, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo lợi thế của huyện. Với cây lúa, phát triển các cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu lớn, ổn định diện tích 8.000 ha, năng suất 70 tạ/ha. Chuyển diện tích đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao hơn.
Huyện cũng vận động nông dân cải tạo vườn tạp, tham gia dự án phát triển bưởi da xanh, bơ sáp, chè. Các nông hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% giống, công chăm sóc 3 năm đầu với mức 5 triệu đồng/ha; được tập huấn áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt… Đến nay, toàn huyện đã trồng được 22 ha bưởi da xanh và 17 ha bơ, phấn đấu đến năm 2020 có 40 ha bưởi, 30 ha bơ và 100 ha chè. Đi cùng là nhân rộng mô hình sản xuất rau hữu cơ, tiến tới sản xuất rau VietGAP trong nhà lưới.
Với ngành chăn nuôi, huyện đã quy hoạch 2 khu chăn nuôi heo, khuyến khích các DN đầu tư chăn nuôi khép kín ứng dụng công nghệ cao, chuyển dần từ chăn nuôi gia trại sang trang trại, gắn với thực hiện liên kết chuỗi. Địa phương đã rà soát, thống kê 140 trang trại có quy mô sản xuất 300 con heo thịt/năm/trang trại và doanh thu 1 tỉ đồng/năm, tổ chức tập huấn, đánh giá, cấp giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm, để các chủ trang trại tham gia chuỗi cung ứng thịt heo đã được ngành Nông nghiệp tỉnh và ngành Nông nghiệp TP Đà Nẵng ký kết.
Với ngành lâm nghiệp, ưu tiên phát triển rừng trồng gỗ lớn và các dịch vụ lâm nghiệp, môi trường rừng, phấn đấu hàng năm khai thác và trồng lại rừng khoảng 1.900 ha, nâng độ che phủ của rừng lên 65%.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, từ nay đến năm 2020, Hoài Ân tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và quán triệt trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân về chủ trương, nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Huyện sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, củng cố, mở rộng thị trường tiêu thụ; đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các chính sách tín dụng hỗ trợ vốn sản xuất. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế nông, lâm, thủy sản chiếm 48,7% trong cơ cấu chung của huyện; tăng trưởng 7,9%; giá trị sản phẩm/1 ha trồng trọt đạt 100 triệu đồng; nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 7 xã.
PHẠM TIẾN SỸ