Tình trạng phá rừng trái phép ở Vĩnh Thạnh: Vẫn chưa hết... “nóng”!
Huyện Vĩnh Thạnh có địa bàn hiểm trở, phức tạp, lại giáp ranh với nhiều huyện trong và ngoài tỉnh nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn. Nhiều năm nay, lợi dụng việc di dân tái định cư để xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi và đường giao thông, các đối tượng đã tăng cường hoạt động phá rừng, khai thác rừng trái phép, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt rừng.
Rừng “chảy máu”
Trong khuôn viên CA huyện và Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, gỗ lậu từng miếng có bề ngang từ 50 - 70 cm được chất đống. Cán bộ Hạt kiểm lâm huyện cho biết, đó là số gỗ lậu thu giữ từ trước và sau Tết Mậu Tuất. Đơn vị đã phối hợp với CA huyện bắt 7 vụ, tạm giữ gần 16 m3 gỗ các loại và phần lớn đều vô chủ. Năm 2017, các ngành chức năng và địa phương đã phát hiện 87 vụ phá rừng, thiệt hại gần 30 ha, tạm giữ gần 79 m3 gỗ và nhiều thiết bị, phương tiện đối tượng dùng để phá rừng. Đó là chưa kể, nhiều trường hợp đối tượng vận chuyển gỗ từ Vĩnh Thạnh bằng ô tô ra khỏi địa bàn theo QL 19 đã bị cảnh sát giao thông tỉnh tuần tra phát hiện, tạm giữ hàng chục khối.
Gỗ lậu do CA huyện Vĩnh Thạnh thu giữ.
Tuy vậy, số vụ bị phát hiện và số gỗ thu giữ so với thực tế vẫn còn khá khiêm tốn. Trung tá Đinh Y Rong, Đội trưởng điều tra CA huyện, cho biết, số vụ phát hiện nhiều nhưng việc điều tra xử lý rất khó khăn, vì hầu hết không xác định được đối tượng. Đối tượng vi phạm thường tổ chức vận chuyển gỗ vào đêm khuya và sử dụng các loại ô tô, mô tô đã hết hạn lưu hành, cải hoán cho gọn nhẹ, dễ cơ động đối phó và có thể chở lượng gỗ nhiều nhất. Khi gặp lực lượng chức năng, họ sẵn sàng chống trả để tẩu tán, không được thì “bỏ của chạy lấy người”.
Gần đây, rạng sáng ngày 21.1.2018, trong khi làm nhiệm vụ, tổ công tác của CA huyện phát hiện ô tô tải biển số 92K- 9524 chất đầy gỗ, chạy từ xã Vĩnh Hảo xuống hướng huyện Tây Sơn. Lực lượng tuần tra ra hiệu dừng xe nhưng lái xe vẫn tăng tốc chạy hơn 1 km rồi bỏ xe cùng hơn 4 m3 gỗ bên đường chạy trốn. Trong quá trình truy đuổi, đối tượng đã ép xe khiến trung úy Trần Ngọc Thương và thiếu úy Lê Trọng Duy ngã xuống đường bị thương. Xác minh xe thì đó là biển số giả.
Tại CA huyện, có rất nhiều loại xe 16 chỗ đã hết hạn sử dụng được tháo hết ghế để chở gỗ, bị lực lượng CA bắt giữ. Anh Trương Xuân Vinh, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Vĩnh Sơn, cho biết, nhiều đầu nậu gỗ các nơi về móc nối với một số người dân tộc thiểu số khai thác gỗ rồi cất giấu ở nhiều địa điểm. Sau đó, chúng dùng xe độ chế tập kết về điểm đã hẹn và dùng ô tô vận chuyển. Những năm trước đây, đã có nhiều nhóm đối tượng ngoài tỉnh đến vùng rừng giáp các huyện trong tỉnh, hoặc giáp ranh với Gia Lai “cát cứ” để khai thác rồi vận chuyển ra khỏi địa bàn bằng nhiều đường khác nhau. Có khi bọn chúng tranh giành địa bàn rồi thanh trừng nhau dẫn đến án mạng.
Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ sinh kế
Trước thực trạng phá rừng và khai thác gỗ trái phép xảy ra khá phức tạp, huyện Vĩnh Thạnh đã thiết lập thêm 6 chốt bảo vệ rừng (tổng số là 10 chốt) tại các khu vực trọng điểm, nhiều nhất ở 2 xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Sơn. Lực lượng trực chiến ở các trạm, chốt gồm CA huyện, xã, kiểm lâm, dân quân, lực lượng bảo vệ rừng, các chủ rừng, đại diện tập thể, hộ gia đình nhận khoán.
Ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng, do lực lượng mỏng, không thể quán xuyến hết địa bàn nên cần có sự phối hợp của CA huyện, xã nữa thì mới mang lại hiệu quả cao.
Còn thực tế cho thấy, một số người dân biết các vụ phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép nhưng vì lợi ích trước mắt đã tiếp tay hoặc làm ngơ, không báo chính quyền và cơ quan chức năng.
Vì vậy, giải pháp đồng bộ là phải tuyên truyền và nâng cao ý thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để họ thấy được lợi ích do rừng mang lại. Hiện đã có 58% diện tích rừng tự nhiên được giao khoán cho bà con, kết hợp thực hiện chính sách 30a, mỗi hecta rừng, bà con được hỗ trợ 400 ngàn đồng/năm, đã góp phần nâng cao trách nhiệm cho người dân trong quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Điều cốt yếu là quan tâm tạo sinh kế và hỗ trợ vốn vay để người dân đầu tư chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp với đặc điểm địa bàn miền núi, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Đó là giải pháp lâu dài và căn cơ để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật bảo vệ, phát triển rừng.
Danh Nhân