Từ năm 2021, cả nước mới bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết sau khi Đề án được thông qua, từ năm 2021 cả nước mới bắt đầu thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Ngày 24.3, Hội đồng lý luận T.Ư đã tổ chức Toạ đàm khoa học “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và cải cách chính sách tiền lương”. Đây là vấn đề sẽ được Hội nghị T.Ư 7 thảo luận vào tháng 5.2018.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, việc xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. T.Ư đã 3 lần thảo luận cho ý kiến về Đề án từ năm 2003 tới nay nhưng chưa thể thông qua Nghị quyết về cải cách vấn đề này.
Phó Thủ tướng lưu ý, Đề án phải khắc phục được những khuyết điểm của chính sách tiền lương hiện nay là tiền lương trong khu vực nhà nước còn cơ chế bất cập, chưa theo kịp với khu vực thị trường, điều chỉnh lương của người đang làm việc chưa độc lập với điều chỉnh lương hưu và ưu đãi người có công, ảnh hưởng tới tính bền vững của bảo hiểm xã hội,... đồng thời phải tiệm cận với các chuẩn mực thực hiện chính sách lương của quốc tế.
Một số điểm mới trong tư duy cải cách tiền lương là xây dựng hai bảng lương, một bảng lương dành cho các chức danh vị trí việc làm, một bảng dành cho cán bộ làm công việc thuần tuý về chuyên môn, khắc phục được bất cập khi trả lương theo bằng cấp. “Cán bộ, công chức, người lao động trong khu vực công có trình độ cao hơn thì lương cao hơn, lương của cấp trên cao hơn cấp dưới, tránh tình trạng ngược lại như hiện nay”, Phó Thủ tướng nói.
Đề án cũng đặt ra định hướng chi trả thu nhập của cán bộ, công chức theo thông lệ quốc tế là tỷ trọng lương chiếm không quá 70% thu nhập và phụ cấp không được quá 30%. Đồng thời, quy định Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có quyền chi khoản 10% Quỹ tiền thưởng (trong lương) chi trả thêm cho người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có Quỹ lương để Thủ trưởng Bộ, địa phương tuyển dụng nhân tài.
Bên cạnh đó, Đề án cũng bãi bỏ cách tính lương theo hệ số mà quy định về số tuyệt đối trong thang, bảng lương; xác định mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất, được luật hoá không ai trả thấp hơn. Ngoài ra quy định cả mức lương tối thiểu giờ; bãi bỏ can thiệp của nhà nước vào thang, bảng lương của doanh nghiệp, tiến tới liên thông giữa tiền lương khu vực công và tư.
Để thực hiện thành công cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành phải hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, thực hiện hiệu quả 2 Nghị quyết số 18 và 19 của Hội nghị T.Ư 6 khoá XII về tinh gọn bộ máy và đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết sau khi Đề án được thông qua thì từ năm 2021, cả nước mới bắt đầu thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Về nguồn cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng cho biết từ nay, Chính phủ sẽ giữ lại 70% phần tăng thu ngân sách của địa phương, giữ lại 50% số vượt thu của ngân sách trung ương để bổ sung tạo nguồn thực hiện từ năm 2021; tập trung chống xói mòn cơ sở thuế để củng cố nguồn lực cho ngân sách.
Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Đề án thiết kế chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng- hưởng và chia sẻ rủi ro.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lương hưu độc lập với điều chỉnh tiền lương công chức, khi có biến động lơn về CPI và phù hợp với NSNN. Đề án cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội, tập trung theo phương án điều chỉnh tăng tuổi từ 1/1/2021 theo lộ trình với người lao động bình thường trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
“Nếu không không bàn tới tăng tuổi nghỉ hưu thì khó bảo đảm Quỹ. Quyết định này có tác động lâu dài hàng chục năm nhưng phải hành động mau lẹ trong thời gian ngắn. Bài học Italia điều chỉnh 4 tuổi nghỉ hưu trong 10 năm mà làm cho thị trường lao động rối loạn trong 20 năm sau này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Theo Anh Thư (baogiaothong.vn)