Bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục “kêu oan” cho mình và các đồng phạm
“Bị cáo mong HĐXX, đại diện Viện Kiểm tra xem xét đánh giá một cách khách quan và thực tế tại thời điểm lịch sử đó, để có phương hướng xử lý công minh, khách quan, công bằng"
"Bị cáo không cố ý làm trái"
Đáp lại phần tranh luận của đại diện Viện kiểm sát trong sáng nay (24.3), bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT PVN tiếp tục khẳng định việc góp vốn vào Oceanbank là để giải quyết hệ lụy ngừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Việc ông ký thỏa thuận 6934 với Hà Văn Thắm không nhất thiết tất cả Hội đồng thành viên (HĐTV) phải ký.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như quy chế hoạt động, không có nội dung nào quy định biên bản thỏa thuận phải được sự đồng ý của HĐQT và HĐTV mà chỉ khi ban hành Nghị quyết thì mới cần tới sự đồng ý của HĐTV.
“Biên bản thỏa thuận này đã được Ban Giám đốc, các thành viên HĐQT biết. Ngày 30.9.2008, HĐQT PVN họp thống nhất thông qua. Việc thông qua lấy phiếu là ngang nhau, công khai, dân chủ, minh bạch. Nghị quyết của HĐQT mới là căn cứ để tập đoàn thực hiện” – bị cáo Thăng cho biết.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN)
Đối với lần góp vốn thứ 3 góp thêm 100 tỷ đồng theo Nghị quyết 4266, cựu Chủ tịch HĐQT PVN nhấn mạnh khi đó ông đi công tác. Ông ủy quyền cho cấp dưới điều hành HĐQT chứ không ủy quyền ban hành nghị quyết hay biểu quyết.
“Bị cáo không biết Nghị quyết 4266, không tham gia biểu quyết, không biết việc đó. Do đó, bị cáo không thể ủy quyền cụ thể cho ông Nguyễn Xuân Thắng ký Nghị quyết 4266 được” – bị cáo Thăng khẳng định.
Bào chữa về quy buộc đồng phạm, theo cựu Chủ tịch PVN, các thành viên HĐTV đều thực hiện theo nguyên tắc tập thể, quyền biểu quyết có giá trị ngang nhau. Các thành viên đều nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của PVN, và khi thực hiện không ai cố tình làm một việc mà biết đó là sai.
“Đây không phải là đồng phạm. Họ là những cá nhân làm việc tích cực, là những người đóng góp cả cuộc đời tận tâm tận huyết với công việc, cùng với bị cáo thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao để kinh doanh có lãi…”- bị cáo Thăng nói và cho biết ông rất day dứt về việc các thành viên HĐTV, HĐQT bị quy kết là đồng phạm về tội Cố ý làm trái.
Tiếp tục trình bày, cựu Chủ tịch PVN cho biết, tại cuộc họp trong tháng 3.2011, ông đã chỉ đạo và HĐQT đã ra Nghị quyết chuyển nhượng phần vốn của tập đoàn tại Oceanbank cho một doanh nghiệp khác để giảm tỷ lệ chủ sở hữu xuống theo quy định của pháp luật, đồng thời giao cho các thành viên thực hiện.
“Bị cáo có chỉ đạo thoái vốn và anh Thắng có biết việc đó. Chứ không có chuyện đến tháng 5.2011, HĐQT đưa ra Nghị quyết về việc góp vốn lần 3, bị cáo biết mà lại đồng ý thực hiện. Bị cáo đã biết từ trước là không phù hợp và đã chỉ đạo thoái vốn. Giả sử việc này nếu có sai phạm thì bị cáo nhận trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của người ủy quyền. Sự thật là bị cáo không biết việc này, không cố ý làm trái”– ông Thăng cho hay.
Về công văn của Bộ Tài chính, bị cáo tiếp tục khẳng định công văn này không phải trả lời PVN mà chỉ trả lời Văn phòng Chính phủ, không có nội dung yêu cầu PVN phải báo cáo.
"Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người"
Bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục khẳng định những lần góp vốn của tập đoàn đều có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, sau đó PVN mới triển khai. Khi đầu tư vào Oceanbank, PVN được chia lợi nhuận hơn 200 tỷ, chưa kể toàn bộ giá trị tiền, bộ máy nhân sự đã đầu tư khi có chủ trương thành lập Ngân hàng Hồng Việt.
“Việc thoái vốn phải có lộ trình thực hiện, được Thủ tướng đồng ý. PVN đã có chỉ đạo về việc này từ tháng 3.2011, đến đầu năm 2012, PVN làm các thủ tục để báo cáo Chính phủ cho triển khai thực hiện. Sau đó, Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2013, lộ trình cho phép thoái vốn đến hết năm 2015” – ông Thăng nói.
Nguyên Chủ tịch HĐQT PVN cho biết, sau lưng ông là bản án sơ thẩm tuyên phạt 13 năm tù (vụ liên quan đến triển khai Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, xử tháng 1.2018). Phía trước là phải đối diện mức án như Viện Kiểm sát đề nghị từ 18 -19 năm tù, đó là hình phạt rất nặng, chạm trần của khung hình phạt (điều luật có mức án cao nhất 20 năm tù). Tuy nhiên, bị cáo vẫn cố gắng trình bày không chỉ riêng cho bị cáo mà còn cho các bị cáo khác đang bị truy tố.
“Bị cáo mong HĐXX, đại diện Viện Kiểm tra xem xét đánh giá một cách khách quan và thực tế tại thời điểm lịch sử đó, để có phương hướng xử lý công minh, khách quan, công bằng.”
Theo Đức Minh (VOV.VN)