Tăng năng lực quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng song công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Hội thảo “Tăng cường năng lực quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh” do Sở TN&MT vừa tổ chức tại TP Quy Nhơn là cơ hội để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý trao đổi, tìm giải pháp khả thi cho vấn đề này.
Nhiều khó khăn, bất cập
Theo ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, Bình Định hạn chế về trữ lượng nước, đồng thời áp lực về nhu cầu sử dụng nước cũng như các dịch vụ về nước ngày càng gia tăng, trong khi công tác quản lý tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn gặp trở ngại. Đến nay, hoạt động kiểm kê TNN cấp tỉnh vấn chưa được triển khai; thiếu các dữ liệu hiện trạng khai thác nước, xả nước thải. Việc triển khai các quy định pháp luật về TNN còn hạn chế.
Sông Hà Thanh là một trong những con sông trên địa bàn có hàm lượng amoni tăng cao và vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3,7 - 4,7 lần.
- Trong ảnh: Một đoạn sông Hà Thanh gần khu vực cầu Sông Ngang, TP Quy Nhơn.
Tính đến năm 2018, Sở TN&MT đã tổ chức 9 đoàn kiểm tra hơn 150 cơ sở sản xuất kinh doanh, cho thấy phần lớn các đơn vị vi phạm pháp luật trong khai thác nước và xả nước thải. Nhiều đơn vị không có giấy phép khai thác, sử dụng nước, không có giấy phép xả nước thải; một số đơn vị không có hệ thống xử lý nước thải; một số trường hợp xả nước thải trực tiếp vào đất đã gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 230.656 giếng đào và giếng khoan; song đa số hoạt động khoan, đào giếng trái phép, thi công không đúng quy trình kỹ thuật.
Ông Võ Minh Đức, Trưởng Phòng TNN và Khí tượng - Thủy văn, Sở TN&MT, cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 247 giấy phép hoạt động lĩnh vực TNN được cấp. Tuy nhiên, thời gian qua có khá nhiều đơn vị chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TNN. Năm 2016, Thanh tra Bộ TN&MT tiến hành kiểm tra 10 đơn vị trên địa bàn tỉnh thì cả 10 đơn vị đều vi phạm quy định của pháp luật TNN và bị phạt với số tiền gần 2 tỉ đồng.
Theo thạc sĩ Hà Thị Thanh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường nước và giảm thiểu chất lượng nước tại các sông, hồ, đầm... Theo kết quả quan trắc chất lượng nước mặt từ năm 2011 - 2017 cho thấy nguồn nước mặt có dấu hiệu ô nhiễm. Tại lưu vực sông Côn, kết quả quan trắc cho thấy nồng độ ô nhiễm tăng dần từ thượng nguồn về phía hạ nguồn và tăng dần theo thời gian. Về chất lượng nước mặt tại sông Hà Thanh, hàm lượng amoni năm 2015 so với năm 2011 tăng 5,7 - 47 lần và vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3,7 - 4,7 lần…
Một số giải pháp
Ông Huỳnh Quang Vinh cho hay, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các cấp, ngành tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN bằng các hành động cụ thể: Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị cố tình vi phạm pháp luật về TNN; đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá, quy hoạch làm công cụ cho công tác quản lý TNN…
Các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến TNN và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh cần chung tay thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn nước, khai thác nước tiết kiệm, hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng nước; áp dụng các biện pháp khoa học và công nghệ trong việc giám sát, dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng liên quan đến TNN…
Bà Hà Thị Thanh Hương cho rằng, cần có những giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm quy hoạch, khai thác và sử dụng hợp lý TNN. Cần tăng cường quản lý và kiểm soát chất thải từ khu vực nông thôn. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc xả thải nước thải, áp dụng các công nghệ phù hợp trong quản lý TNN.
Ý kiến của ông Võ Minh Đức là tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật TNN đến các cấp, các ngành; thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật TNN. Khi lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Điều tra, đánh giá, khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng TNN. Ngoài ra, cần rà soát công trình khai thác, sử dụng TNN, công trình xả nước thải vào nguồn nước, đảm bảo công trình được cấp phép đúng quy định, thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật TNN.
VIẾT HIỀN