Cảnh giác với “giặc lửa”!
Cho đến hôm nay, đã sang ngày thứ ba nhưng những tin tức về vụ cháy chung cư Carina Plaza ở TP HCM vào lúc rạng sáng hôm 23.3 vẫn làm dư luận cả nước phải bàng hoàng. Với 13 người thiệt mạng, gần 100 người phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, hàng trăm ô tô, xe máy và nhiều tài sản khác bị thiêu cháy… thì đây là vụ cháy có thiệt hại lớn về người và tài sản chỉ sau vụ cháy tòa nhà IMEXCO cũng tại TP HCM xảy ra vào tháng 11 năm 2002.
Tuy nhiên, ngoài vụ cháy có thiệt hại nhân mạng lớn nhất nói trên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước còn xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, chỉ riêng trong tháng 2 vừa qua, các địa phương trong cả nước đã xảy ra 376 vụ cháy, nổ làm chết 10 người, bị thương 27 người, tài sản thiệt hại ước tính gần 165 tỉ đồng. Thiệt hại do cháy nổ gây ra để lại những hậu quả rất nặng nề và đau thương cho các gia đình và xã hội. Trên địa bàn tỉnh ta, từ đầu năm đến nay cũng đã xảy ra hàng chục vụ cháy nhà dân, nhà xưởng…, gây thiệt hại tài sản lên đến nhiều tỉ đồng.
Các phân tích qua nghiên cứu nguyên nhân các vụ hỏa hoạn đã xảy ra cho thấy nguyên nhân hàng đầu và phổ biến là tình trạng không chấp hành, chính xác là vi phạm các quy định về PCCC, là sự chủ quan trong thực hiện các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ của dân cư, bên cạnh đó là sự buông lỏng công tác quản lý, phòng chống cháy nổ của một số cơ quan có trách nhiệm. Một ví dụ điển hình là trước vụ cháy chung cư Carina Plaza chỉ hơn 7 giờ đồng hồ, cư dân tại chung cư này đã có buổi đối thoại, lên tiếng kiến nghị với ban quản lý về những bất cập và nguy cơ dẫn đến cháy nổ ở tòa nhà này. Trong khi phía quản lý chưa kịp có động thái gì thì tai họa thảm khốc đã xảy ra, với những hậu quả hết sức đau lòng về nhân mạng của cư dân trong tòa nhà này.
Hiện nay, tỉnh ta đang bước vào mùa nóng là thời điểm có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ không chỉ trong các khu dân cư, khu công nghiệp mà cả cháy rừng. Với tình hình cháy nổ diễn ra ngày càng phức tạp, nguy cơ ngày càng nhiều thì vấn đề quan trọng hàng đầu là nêu cao tinh thần cảnh giác, làm tốt công tác phòng ngừa, không được lơ là chủ quan…, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Trong đó, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng ở các địa phương cần phải đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về phòng chống cháy nổ, thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc tuân thủ pháp luật, xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền các quy định pháp luật về PCCC, cảnh báo nguy cơ cháy nổ, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy nổ xảy ra cho mọi người dân.
Người xưa đã đúc kết: “thủy hỏa đạo tặc”. Vì vậy, việc chủ động cảnh giác, phòng ngừa đối với “giặc lửa” không bao giờ là thừa!
H.Đ