Ngư dân xã Mỹ Ðức: “Ðiểm sáng” chấp hành pháp luật trên biển
Nhờ UBND xã Mỹ Ðức và Ðồn Biên phòng Mỹ Thọ (Phù Mỹ) phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có nhiều biện pháp tích cực, thời gian qua, xã Mỹ Ðức không có ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Mỹ Đức có trên 100 tàu cá công suất lớn hành nghề đánh bắt xa bờ tại vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa. Đại úy Nguyễn Quốc Hiệp, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mỹ Thọ, cho biết: Trước tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài ngày càng có chiều hướng gia tăng, không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho bà con mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nước ta trong hoạt động hợp tác nghề cá với các nước trong khu vực, Đồn Biên phòng Mỹ Thọ đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền. Chúng tôi triển khai việc vận động chấp hành chính sách, pháp luật đến từng hộ gia đình, từng chủ phương tiện; thường xuyên tổ chức nhiều chương trình giao lưu, tọa đàm, văn hóa, văn nghệ có lồng ghép nội dung tuyên truyền để bà con hiểu và thực hiện.
Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Thọ tuyên truyền pháp luật cho ngư dân.
Đơn vị đã phối hợp với địa phương xây dựng câu lạc bộ pháp luật, tổ chức 29 buổi tuyên truyền Luật Biển Việt Nam cho gần 1.000 lượt ngư dân và chủ phương tiện; phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức cho 8 tổ tàu thuyền đoàn kết, 69 hộ dân trên địa bàn xã ký kết thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Mỹ Thọ đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Phù Mỹ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã tổ chức hội nghị tìm giải pháp hạn chế tàu thuyền của ngư dân xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Ông Lê Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức, cho biết: Chúng tôi đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực, nhiều chế tài xử lý phù hợp. Chẳng hạn, địa phương nào có tàu thuyền bị bắt thì tổ chức Đảng địa phương đó không đạt trong sạch vững mạnh, gia đình không được xét gia đình văn hóa, địa phương không được bình xét khen thưởng, ngư dân vi phạm bị cắt mọi chế độ ưu đãi theo Quyết định 48 và Nghị định 67 của Chính phủ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Chính quyền địa phương cũng đã quán triệt các chủ phương tiện khi ra khơi phải đánh bắt theo hình thức tổ đội và giữ khoảng cách an toàn để kịp thời liên lạc, hỗ trợ nhau khi có các tình huống xảy ra. Hàng tháng, UBND xã và BĐBP tổ chức họp các chủ phương tiện và các tổ đội tàu thuyền để rút kinh nghiệm, bàn giải pháp và bổ sung kiến thức pháp luật mới.
Nhờ sự vào cuộc tích cực như vậy nên mặc dù có số lượng tàu thuyền khá đông nhưng Mỹ Đức không có phương tiện và ngư dân nào xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ngư dân Phan Văn Châu (thôn Phú Thứ), hành nghề câu cá ngừ trên vùng biển Trường Sa, tâm sự: “Được BĐBP và địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, ngư dân chúng tôi đã nắm rõ được được vị trí, ranh giới các vùng biển của Việt Nam, pháp luật của các nước lân cận, và nhất là tác hại của việc xâm phạm vùng biển nước khác, nên chúng tôi không dám liều. Lỡ không may bị bắt thì thiệt hại trăm bề”.
Đại tá Phan Trường Sơn, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh, khẳng định: Mỹ Đức là “điểm sáng” trong chấp hành pháp luật về biển và thực hiện Chỉ thị 01 của Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Do đó, cần tiếp tục nhân rộng mô hình này để các xã tuyến biển của tỉnh áp dụng phù hợp với điều kiện, tình hình địa phương mình, tiến tới xóa bỏ tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép.
Thanh Bình