Một mùa diễn xuân đáng nhớ
Hai đơn vị sân khấu chuyên nghiệp công lập của tỉnh - Nhà hát tuồng Ðào Tấn và Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Ðịnh - vừa kết thúc mùa diễn xuân 2018 với những kỷ lục về suất diễn, lượng khán giả. Ðiều đó phần nào chứng minh sức sống của tuồng, bài chòi trên “chiếc nôi” của 2 loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Bội thu suất diễn
Giữa thời buổi khủng hoảng khán giả nghệ thuật truyền thống, diễn liên tục gần trọn tháng, với số lượng suất diễn nhiều nhất trong vòng hơn 5 năm trở lại đây, niềm vui ấy vượt mong đợi của Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định tại mùa diễn xuân 2018. Nhà hát tuồng Đào Tấn có tổng cộng 25 suất diễn; Đoàn Ca kịch bài chòi có 27 đêm diễn liên tục.
Đêm diễn tại thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh của Nhà hát tuồng Đào Tấn.
- Trong ảnh: Một cảnh trong vở Giai nhân thời loạn.
So với tuồng, bài chòi thu hút nhiều khán giả hơn và nhất là bất ngờ nhận những lời mời biểu diễn mới hoặc tăng suất. Theo NSƯT Băng Châu, Phó trưởng Đoàn Ca kịch bài chòi, khi diễn ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, đại diện một số xã trong huyện đã đến gặp lãnh đạo đoàn ngỏ ý “sẵn tiện đường, có thể đến diễn tại địa phương luôn không?”. Hay tại “thị trường” lớn nhất của bài chòi - Hoài Nhơn, hợp đồng ký diễn 2 hoặc 3 đêm song nhiều địa phương vẫn muốn tăng thêm.
“Tất nhiên đoàn phải đành từ chối vì lịch diễn đã ấn định từ trước Tết là liên tục không trống đêm nào. Thậm chí ngay cả khi các địa phương đề nghị chuyển sang tháng 2 âm lịch nhưng cũng không được vì còn công việc chuyên môn ở đoàn phải triển khai ngay sau đợt diễn xuân. Tuy không thể nhận lời song đơn vị rất xúc động, có thêm động lực trước tình cảm, lòng mộ điệu của khán giả, nhân dân”, NSƯT Băng Châu cho hay.
Thu hút khán giả vùng cao
Theo NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn Ca kịch bài chòi, đã có không ít năm đi diễn phục vụ ở các huyện miền núi Vân Canh, An Lão, sân khấu sáng đèn đợi đến giữa đêm vẫn lèo tèo vài khán giả, diễn viên đành buồn bã tẩy trang. Hoặc cơ cấu chương trình phải diễn xen kẽ trích đoạn hay với ca múa nhạc. Cái được là có khán giả song lại không thể giới thiệu trọn vẹn được những vở diễn mới, hay; hiệu quả quảng bá sân khấu truyền thống phần nào bị hạn chế.
Nhưng năm nay có một thành công đáng kể nữa với cả 2 đơn vị là ngay tại các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đêm diễn vẫn rất thu hút. Điều này khích lệ các nghệ sĩ rất nhiều. Lịch diễn của đoàn bài chòi 3 đêm ở Vĩnh Thạnh, 4 đêm ở An Lão và Nhà hát tuồng Đào Tấn 3 đêm ở Vĩnh Thạnh đều đông kín khán giả.
Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn Văn Bá Dũng chia sẻ, với điểm diễn ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thạnh), dẫu lo lắng về chuyện khán giả nhưng ban lãnh đạo, hội đồng nghệ thuật của Nhà hát quyết định: chỉ diễn tuồng. “Chúng tôi xác định, trường hợp không thuận lợi, nếu có ít khán giả thì đó cũng là bộ phận thật sự mộ điệu, ở địa bàn miền núi cách trở, có thể rất lâu rồi họ không được xem tuồng, rất đáng được phục vụ. Diễn 3 đêm, lượng khán giả đêm sau lại nhiều hơn đêm trước, khiến đơn vị rất mừng. Điều bất ngờ nữa là Nhà hát còn được biếu 3 món quà quê (ghè rượu cần, con gà và buồng chuối chín cây) từ bà con khán giả địa phương. Tình cảm này giống y như thời lưu diễn xuân mấy chục năm trước, làm cả đoàn hết sức xúc động”, Giám đốc Văn Bá Dũng tâm tình.
SAO LY