Đưa bài chòi trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại:
Bình Định tiến gần hơn đến mục tiêu
Hội thảo khoa học nghệ thuật bài chòi được tổ chức tại TP Quy Nhơn ngày 11.9 vừa qua tiếp tục cho thấy những nỗ lực của Bình Định trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa bài chòi. Hội thảo này hướng đến mục tiêu đưa bài chòi trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và chọn Bình Định là địa phương lập hồ sơ khoa học.
Bài chòi là sản phẩm văn hóa tinh thần sản sinh trên mảnh đất Nam Trung bộ, lâu nay vẫn được xem là gia tài chung của các tỉnh vùng duyên hải trải dài từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa. Tại Hội thảo khoa học nghệ thuật bài chòi, Bình Định với vai trò là “chiếc nôi”, “linh hồn”, trung tâm của một loại hình nghệ thuật được nhiều đại biểu tập trung làm rõ.
Hướng đến mục tiêu trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nghệ thuật bài chòi đứng trước nhiều cơ hội được bảo tồn và quảng bá.
- Trong ảnh: Tết Nguyên đán 2012, Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định đã đến với thủ đô Hà Nội.
Từ vị trí trung tâm
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long (Nhà xuất bản Âm nhạc), Bình Định là địa phương duy nhất đang tồn tại tất cả các hình thức sinh hoạt của nghệ thuật bài chòi từ dân gian đến sân khấu chuyên nghiệp. Khi sân khấu bài chòi chuyên nghiệp được hình thành ở miền Bắc với việc thành lập Đoàn Ca kịch bài chòi Liên khu V, lực lượng nòng cốt là các nghệ sĩ người gốc Bình Định. Đoàn Ca kịch bài chòi Liên khu V cũng chính là tiền thân của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định ngày nay. Những năm gần đây, hội đánh bài chòi cổ dân gian - hình thức nguyên sơ nhất của nghệ thuật bài chòi - đang hồi sinh mạnh mẽ sau nhiều nỗ lực khôi phục của tỉnh. Ngoài đoàn nghệ thuật bài chòi chuyên nghiệp, Bình Định còn có câu lạc bộ bài chòi cổ dân gian, lực lượng nghệ nhân khá đông ở các địa phương trong tỉnh tuổi từ cao niên đến trung niên… “Bài chòi Bình Định hội tụ đủ các yếu tố mà không phải địa phương nào trong khu vực cũng có được”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhấn mạnh.
Trong tham luận “Để bài chòi Bình Định xứng đáng là trung tâm của loại hình”, tác giả Hoàng Hoa (Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc) đã đưa ra nhiều luận điểm thuyết phục cho thấy sức hút và giá trị riêng của bài chòi Bình Định. “Bài chòi cũng như hát bội đã trở thành loại hình nghệ thuật đặc sắc của Nam Trung bộ. Bình Định là nơi còn giữ được phong cách bài chòi cổ và cần thiết phải giữ cho được bản sắc riêng này”, nhà nghiên cứu Hoàng Hoa kiến nghị.
Vai trò đặc biệt của Bình Định trong suốt quá trình hình thành, phát triển của bộ môn nghệ thuật bài chòi và hiệu quả từ công tác bảo tồn là cơ sở để Bộ VH-TT&DL chọn là địa phương tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học tiến tới mục tiêu Unesco công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Quyết định quan trọng này đồng thời đặt lên vai Bình Định một trọng trách mới, vinh dự nhưng không kém phần nặng nề.
Còn nhiều bộn bề
Tại Hội thảo, đại diện Cục Di sản văn hóa, Ủy ban Quốc gia Unesco Việt Nam đã đưa ra nhiều lưu ý quan trọng trong việc lập hồ sơ khoa học về bài chòi. “Hồ sơ này phải tập trung thể hiện 3 tiêu chí quan trọng trong công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại mà Unesco đặc biệt quan tâm: bản sắc cốt lõi, sức sống trong cộng đồng và sự tiếp nối, trao truyền của di sản”, bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và Unesco - Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể, cho biết, ngoài tuân thủ những tiêu chí nghiêm ngặt của một tổ chức khoa học quốc tế, để đủ điều kiện lập hồ sơ trình Unesco công nhận thì bài chòi phải được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trong danh sách 33 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vẫn chưa có tên nghệ thuật bài chòi Bình Định. Cũng theo bà Trang, dù hồ sơ đề nghị xem xét, công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Bình Định đã gởi về Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ VH-TT&DL); nhưng hồ sơ này cần phải được bổ sung, hoàn chỉnh, nâng cao hơn về chất lượng nội dung để sớm được công nhận.
Có thể thấy, để đạt mục tiêu trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, giá trị và bản sắc của bài chòi vẫn phải tiếp tục được khẳng định, tôn vinh. Song song đó, không thể xem nhẹ công tác bảo tồn, nuôi dưỡng di sản trong đời sống cộng đồng, đây không chỉ là tiêu chí quan trọng của Unesco mà còn là cách bảo tồn di sản bền vững nhất. “Bộ VH-TT&DL đã có kế hoạch đề xuất Chính phủ đưa Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định giới thiệu trong những ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và các chương trình giao lưu văn hóa khác để quảng bá mạnh mẽ và rộng hơn di sản này đến bạn bè quốc tế”, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cho biết.
SAO LY