Nhân ngày công tác xã hội Việt Nam (25.3): Lan tỏa những giá trị nhân văn
Các mô hình công tác xã hội trên địa bàn tỉnh đang đạt được nhiều kết quả tích cực khi giúp đỡ người yếu thế hòa nhập cộng đồng, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc.
Những năm qua, nhiều mô hình công tác xã hội (CTXH) trực thuộc ngành LĐ-TB&XH đã hoạt động tích cực, hiệu quả. Dù mới hình thành vài năm gần đây, bộ phận CTXH trong ngành Y tế cũng đã góp phần làm nên hình ảnh bệnh viện thân thiện. Các tổ chức như Hội CTĐ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp ý nghĩa. Tại cộng đồng, các nhóm thiện nguyện đang tích cực cho hoạt động CTXH.
Đa dạng mô hình hoạt động
“Thâm niên” nhất trong hoạt động CTXH là các đơn vị bảo trợ xã hội. Toàn tỉnh hiện có 2 đơn vị công lập: Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội (Trung tâm CTXH & BTXH), Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn; 1 đơn vị ngoài công lập: Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm; 1 mô hình tổ chức xã hội phi chính phủ: Làng trẻ em SOS Quy Nhơn. Mỗi đơn vị có đối tượng đặc thù riêng, chương trình hỗ trợ riêng, song cùng chung tinh thần mang đến sự chăm sóc, hỗ trợ tinh thần, môi trường thuận lợi nhất cho người yếu thế được sống, học tập và mưu sinh.
Các cụ bà khuyết tật, neo đơn có được môi trường sống chan hòa, ấm tình thân tại Trung tâm CTXH & BTXH tỉnh.
Dù phải tự chủ hoàn toàn về tài chính, 10 năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm đã đạt được nhiều kết quả trong hoạt động nuôi ăn, ở, dạy chữ, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Có khoảng 90 người khuyết tật đang sinh hoạt, học tập và làm việc tại Trung tâm. Trong đó, một bộ phận nhân viên văn thư, tạp vụ, cô nuôi, giáo viên, bảo vệ là người khuyết tật. Chị Nguyễn Thị Đông Cơ, 37 tuổi, nhân viên văn thư, lưu trữ kiêm kế toán thực phẩm của Trung tâm, chia sẻ: “Tôi bị chậm phát triển bẩm sinh, vóc dáng nhỏ bé nên đi xin việc rất khó. May được Trung tâm Đồng Tâm nhận vào làm việc, trong môi trường rất nhiều đồng nghiệp cũng là người khuyết tật nên chúng tôi cảm thấy được chia sẻ, từ đó thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ, giúp đỡ các em khuyết tật khác tại Trung tâm”.
Đầu năm 2017, Trung tâm BTXH tỉnh chính thức bổ sung thêm chức năng CTXH và đổi tên thành Trung tâm CTXH & BTXH tỉnh. Song song với nhiệm vụ chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, Trung tâm đang triển khai cung cấp các dịch vụ CTXH cho cá nhân, gia đình và nhóm, cộng đồng. Trung tâm đã triển khai một số hoạt động truyền thông, cung cấp kiến thức phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em tại 3 huyện: An Lão, Phù Cát và Vĩnh Thạnh.
Không chỉ có vậy, Trung tâm còn kết nối với các trung tâm BTXH tỉnh bạn để trợ giúp nhu cầu của các trường hợp đặc biệt. “Chúng tôi đã làm việc với 2 trường hợp và gần thành công 1. Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Quyên, hiện đang ở Trung tâm BTXH tỉnh Khánh Hòa. Từ thông tin bà cung cấp, Trung tâm đã xác minh tại xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) và tìm được con cháu của bà. Trung tâm đang trình Sở LĐ-TB&XH để có thể triển khai các bước tiếp theo, giúp bà Quyên về quê”, ông Phan Tuấn Kiệt, Trưởng Phòng CTXH và Phát triển cộng đồng, chia sẻ.
Lan tỏa trong cộng đồng
Tổ CTXH tại các bệnh viện, TTYT đã xây dựng nhiều hoạt động trợ giúp bệnh nhân như: vận động hỗ trợ cho các bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cấp phát suất ăn miễn phí, hỗ trợ thông tin, hồ sơ, đón tiếp và hướng dẫn bệnh nhân.
Nhằm tổ chức hoạt động CTXH chuyên nghiệp hơn, đầu năm 2018, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa đã thành lập Phòng CTXH thay cho Tổ CTXH trước đây. Với các mô hình từ thiện như: tủ quần áo từ thiện, cấp phát suất ăn miễn phí, tiếp đón, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về các dịch vụ khám, chữa bệnh, hỗ trợ khẩn cấp cho người bệnh là người yếu thế, CTXH tại bệnh viện này đang góp phần nâng cao sự hài lòng của bệnh nhân, thu hút sự tham gia của đông đảo cộng đồng.
Tại nhiều bệnh viện, TTYT trên địa bàn tỉnh hiện đang thành lập các bếp ăn tình thương do rất nhiều nhóm tình nguyện viên tham gia đóng góp công sức cũng như vận động nguồn lực duy trì bếp. Mặt khác, các nhóm thiện nguyện còn mở rộng hoạt động ra cộng đồng bằng cách hỗ trợ thường xuyên, hàng tháng cho một nhóm đối tượng yếu thế; hoặc hỗ trợ xây nhà, mua BHYT, đóng giếng nước cho người nghèo...
“Dẫu nhiều người đã tuổi cao sức yếu nhưng tất cả các tình nguyện viên khi đã chọn con đường thiện nguyện, công tác xã hội đều không thấy mệt mỏi. Mỗi một hoàn cảnh được giúp đỡ để vơi bớt khó khăn đều mang lại niềm động viên lớn lao cho những tình nguyện viên”, bà Quang Cẩm Thu, đại diện Nhóm tình nguyện viên CTĐ huyện Tuy Phước và Chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Bác Ái, cho biết.
Nhiều tập thể, cá nhân đang đóng góp sức mình cho hoạt động CTXH của tỉnh. Tất cả họ đều là những ngọn lửa lan tỏa hơi ấm nhân văn.
Chiều 23.3, TTYT huyện Hoài Ân đã tổ chức buổi gặp mặt, kỷ niệm Ngày CTXH Việt Nam.
Ảnh: Văn Viên
Sau 2 năm thành lập, Tổ CTXH thuộc TTYT huyện Hoài Ân đã thực hiện được nhiều mục việc, điển hình: pha chế, cung cấp miễn phí sữa nóng cho bệnh nhân tại TTYT Hoài Ân vào chiều thứ 5 hàng tuần; cùng các chùa: Thường Quang, Viên Giác, Viên Ðức, đồng bào phật tử Chánh Thiện cấp phát bữa ăn trưa tình thương; cùng CLB tình thương Hoài Ân quyên góp, tặng quần áo cho bệnh nhân nghèo…
Tại buổi gặp mặt, nhiều nhà hảo tâm trên địa bàn đã trao nhiều quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại TTYT Hoài Ân (ảnh).
VĂN VIÊN
NGUYỄN MUỘI