Việt Nam tham gia CPTPP: Thời cơ và thách thức
Hiệp định Ðối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết. Các DN Việt Nam, trong đó có DN Bình Ðịnh, đứng trước cơ hội lớn từ CPTPP, song cũng có những thách thức không nhỏ. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương, về vấn đề này.
* Xin ông cho biết một số nội dung chủ yếu của CPTPP?
- Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), CPTPP còn lại 11 nền kinh tế tham gia, gồm: Việt Nam, Nhật Bản, Peru, Singapore, Malaysia, Australia, Brunei, Canada, Chile, Mexico, New Zealand.
CPTPP đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mà còn các vấn đề mới như thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước (DNNN)... Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
CPTPP sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới, với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và thị trường gần 500 triệu dân…
CPTPP góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nói chung và mặt hàng thủy sản sang các thị trường lớn trong CPTPP.
- Trong ảnh: Chế biến các ngừ xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình Định. Ảnh: V.L
* Việt Nam được hưởng lợi như thế nào, cũng như những khó khăn, thử thách khi tham gia CPTPP, thưa ông?
- Đối với Việt Nam, CPTPP sẽ tạo ra cơ hội để gia tăng xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế (dệt may, da giày, sản phẩm và thiết bị điện tử), thông qua các ưu đãi thuế, cộng với kinh nghiệm tích lũy được khi xuất khẩu ngày càng nhiều vào các thị trường trong Hiệp định. CPTPP sẽ giúp thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. CPTPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế; hoàn thiện thể chế vận hành nền kinh tế thị trường, thiết lập một khuôn khổ pháp lý rõ ràng. Việc mở rộng các ngành xuất khẩu trọng điểm như dệt may, da giày, thủy sản… sẽ kích thích thu nhập trong các ngành sản xuất nội địa tăng trưởng, góp phần gia tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Bên cạnh những cơ hội lớn từ CPTPP, các DN Việt Nam, trong đó có DN Bình Định, sẽ phải đối diện trước những thử thách không nhỏ. Nền kinh tế vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi; khả năng thích nghi với kinh tế thị trường của DN Việt Nam còn kém, thiếu chiến lược đầu tư hiệu quả cho các ngành công nghiệp phụ trợ. Về quy tắc xuất xứ, các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu vẫn chưa thể khai thác hết các ưu đãi từ CPTPP.
Đồng thời, nội dung về DNNN trong CPTPP sẽ hạn chế vai trò của loại hình DN này trong nền kinh tế; điều này sẽ tạo áp lực để cải cách DNNN. Mặt khác, hàng hóa trong nước sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa đến từ các nước thành viên CPTPP. Khi tham CPTPP, thuế nhập khẩu sẽ giảm dần về 0; ngành công nghiệp ô tô và nông nghiệp của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối diện với các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong CPTPP.
* Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội từ CPTPP?
- Chúng ta cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách môi trường pháp lý và chính sách để đáp ứng tiêu chuẩn chung trong CPTPP. Đẩy mạnh truyền thông đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là DN và những người tham gia vào chu kỳ sản xuất ở nông thôn. Cần cải cách DNNN, đẩy mạnh phát triển DN nhỏ và vừa…
Mỗi DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, nhất là các thông tin về ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng ta có thế mạnh hoặc có tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Các DN cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. DN cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Ðây cũng chính là cơ hội tốt để các DN chúng ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)