Công trình trái phép tại di sản Tràng An: Lo ngại bị UNESCO “tuýt còi”
Chỉ trong vòng 6 tháng, một công trình “khủng” trái phép trên núi Cái Hạ thuộc vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An đã hoàn tất với chiều dài khoảng 1km, hơn 2.000 bậc lên xuống bằng bê tông.
Sau khi bị báo chí lên tiếng, tỉnh Ninh Bình đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra toàn diện vi phạm này, Bộ VH-TT-DL cũng có nhiều văn bản yêu cầu địa phương khẩn trương có phương án tháo dỡ, hoàn trả cảnh quan nguyên gốc của di sản… Tuy vậy, sự hiện hữu của một công trình lớn trong trung tâm của di sản thế giới cũng dấy lên những lo ngại về nguy cơ bị UNESCO “tuýt còi”!
Công trình sai phạm tại núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư
Sự việc đáng báo động…
Chia sẻ với báo chí về những vi phạm tại di sản Tràng An, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng, sự việc này đáng lo ngại, báo động đối với các khu di sản thế giới.
Theo đại diện UNESCO, trong lịch sử tổ chức từng 2 lần dùng tới biện pháp mạnh. Lần thứ nhất là tại khu bảo tồn linh dương Arập ở Vương quốc Oman và thung lũng Elbe, Dresden, Đức.
Trường hợp đầu tiên do quốc gia chịu áp lực phát triển kinh tế, quyết định thu nhỏ khu bảo tồn xuống 10% để thăm dò dầu mỏ. Vì lẽ đó, chính phủ tự nguyện đề nghị với Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO rút tên khỏi danh sách di sản thế giới.
Đối với thung lũng Elbe, di sản thiên nhiên thế giới này rơi vào danh sách di sản bị đe dọa từ năm 2006 đến 2009 do chính quyền Dresden xây dựng cây cầu vắt ngang sông sang thung lũng, phá vỡ giá trị nổi bật về cảnh quan của di sản. Chính quyền Dresden và người dân vẫn quyết định giữ cây cầu khiến UNESCO bắt buộc phải ra quyết định tước danh hiệu.
“Tràng An không phải trường hợp vi phạm đầu tiên, nhưng tôi hy vọng là trường hợp cuối cùng. UNESCO không thể ngăn chặn hết tác động tiêu cực ở các khu di sản thế giới, điều quan trọng là xem xét phản ứng của nhà quản lý với vi phạm ấy. Trong trường hợp này, tôi rất mừng vì Chính phủ Việt Nam, mà ở đây là Bộ VH-TT-DL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và chính quyền tỉnh Ninh Bình phản ứng rất nhanh nhạy. Sau khi báo chí lên tiếng về công trình sai phạm tại vùng lõi ở Tràng An, Bộ VH-TT-DL có văn bản chỉ đạo khẩn trương đề xuất giải pháp khắc phục, làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình để đẩy nhanh tiến độ. Trong báo cáo ngày 14-3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình cam kết sớm lập phương án tháo dỡ, tiếp tục thanh tra toàn diện các sai phạm của Công ty CP Du lịch Tràng An. Về nguyên tắc, đối với các vi phạm tại các di sản thế giới, UNESCO luôn tạo cơ hội cho các nhà quản lý, các cấp chính quyền có đủ thời gian và nguồn lực để xử lý sai phạm”, ông Michael Croft nói.
Ông thừa nhận, ban đầu khi tiếp nhận thông tin từ truyền thông và báo cáo, ông cảm thấy “lo ngại”. “Sau khi khảo sát thực tế, tôi nhận thấy ảnh hưởng của công trình tới di sản không nghiêm trọng như phán đoán ban đầu”, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cũng khẳng định, Tràng An chưa bị đưa vào danh sách “báo động” của di sản thiên nhiên thế giới.
Bài toán cân bằng giữa bảo tồn và phát triển
Đại diện UNESCO cũng cho rằng, những trường hợp xảy ra sai phạm không chỉ ở Tràng An mà diễn ra khắp nơi trên thế giới. Đây là mâu thuẫn phát sinh giữa quá trình phát triển và công tác bảo tồn di sản. Để giải quyết bài toán cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản, đại diện UNESCO khuyến nghị nhà quản lý, chính quyền địa phương cần có sự thống nhất và lựa chọn mô hình cũng như phương thức bảo tồn phù hợp.
Trường hợp Tràng An là bài học cho nhiều khu di sản khác, theo phân tích của ông Michael Croft, không chỉ cần rà soát hệ thống quy định pháp luật về di sản mà cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp tư nhân.
“Cơ quan quản lý nhà nước có thể nắm rõ quy định về di sản, tuy nhiên hướng dẫn áp dụng cho vùng lõi, vùng đệm của di sản có lẽ chưa đủ rõ ràng đối với người dân và doanh nghiệp. Tôi đánh giá cao các doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi không nhìn họ ở góc độ đối địch trong công tác bảo tồn. Ở đây, chúng ta cần đánh giá vai trò của họ trong quá trình bảo tồn và phát triển, vì vậy không còn cách nào khác ngoài tăng cường đối thoại để tìm giải pháp”, đại diện UNESCO Việt Nam nhìn nhận.
“Chúng ta phải chờ kết quả thanh tra do tỉnh chủ trì, tuy nhiên theo đánh giá sơ bộ, công trình này được dựng lên nhanh chóng và sử dụng vật liệu tiền chế nên việc tháo dỡ dự kiến sẽ không quá lâu”, ông Michael Croft nói. Ông bày tỏ hy vọng vào sự tư vấn của các chuyên gia Việt Nam, giảm thiểu tác động tiêu cực tới di sản.
“Quan điểm của UNESCO không phản đối sự phát triển, tuy nhiên phát triển phải phù hợp và có sự tham gia giữa các bên liên quan, nhất là cộng đồng cư dân tại di sản thế giới đó”, ông Michael Croft lưu ý.
Tại thời điểm này, song song với công tác thanh tra, kiểm tra, các ban ngành địa phương của Ninh Bình đã vào cuộc khảo sát để lập phương án tháo dỡ công trình sai phạm tại núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Hiện nay, Công ty CP Du lịch Tràng An đã dừng đón khách tham quan. UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu đơn vị sai phạm tự tháo dỡ công trình, trong trường hợp cố tình không chấp hành sẽ cưỡng chế theo quy định.
Theo MAI AN (SGGP)