Nỗi đau nào đi qua
Bút ký – Trần Thị Huyền Trang
Có một nơi tôi không muốn chụp một tấm ảnh nào dù của người lạ hay người quen, dù thân hay sơ - đó là bệnh viện.
Nhưng ở đó, có những gương mặt không cần chụp ảnh, tôi cũng không thể nào quên.
Chị L thương binh nặng, bị địch cưa chân ba lần, ba lần chết đi sống lại một mực không khai báo. Nhìn đôi mắt to đen láy của chị, nhìn mái tóc dày mượt từ đỉnh đầu buông chấm đất mỗi khi chị chống nạng đứng dậy, tôi không sao hiểu nổi kẻ có thể đang tâm cầm lưỡi cưa sắt cưa chân người phụ nữ xinh đẹp ấy là loại gì - ác thú hay quỷ dữ?
Trời bù đắp cho chị một người chồng, cũng là thương binh, yêu chị hết lòng. Chị hỏi:
- Tui chỉ có một chân, lại đau ốm liên miên, anh theo tui làm gì?
Anh không trả lời. Cứ theo hoài. Chị nói:
- Anh chọn người khác đi. Lấy tui về khổ, chịu không nổi rồi sẽ bỏ tui thôi.
Anh lắc đầu. Chị thấy anh lì quá, nên ưng, chị kể vậy. Trong chữ "ưng" của chị, có cảm động, có xiêu lòng, có bị thuyết phục, có tin cậy.
Anh chị lấy nhau. Lúc chị khỏe hai người bán phở, nuôi heo, cất nhà, sinh con. Lúc chị bị vết thương cũ hành hạ, bị thời tiết giày vò, anh xốc chị vào bệnh viện. Đi bệnh viện như đi chợ, còn nhiều hơn đi chợ - chị bảo.
Con cái lớn lên, lập nghiệp xa, chỉ còn thương binh chồng chăm thương binh vợ. Càng lớn tuổi, chị càng hay đau. Vẫn là anh xốc chị ra vào. Vẫn là anh ngược xuôi chợ búa, cơm nước, giặt giũ, chải đầu, lau mặt, xoa bóp, an ủi chị. Cái giường nào ở phòng số 1 chị cũng ngự rồi. Chị được các y, bác sĩ đặt biệt danh là "thường trực" khoa Nội trung cao.
Bà cụ X vợ liệt sĩ, bản thân bà là lão thành cách mạng, con trai duy nhất là bác sĩ. Chuyện nhà rối rắm, đứt đoạn, phường phải làm việc với sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đưa bà vào Viện dưỡng lão. Khi trở trời, vết thương cũ - di chứng những trận tra tấn tù đày tái phát, anh em viện Dưỡng lão cõng bà vào bệnh viện.
Người con dâu (đã bị chồng đánh đuổi khỏi nhà) hay tin, dắt hai cháu nội vào thăm bà, chỉ một lần thôi, vì chị cũng phải tảo tần kiếm sống, nuôi con.
Ông con bác sĩ (đã dắt một cô bồ về sống trong căn nhà ông giành từ mẹ) được đồng nghiệp báo tin mẹ bệnh, không thèm nói gì.
Đột nhiên, bà bỏ ra ngoài hẳn một ngày. Anh em viện Dưỡng lão tới thăm, thấy giường bệnh trống trơn, hỏi, không ai biết bà đi đâu. Tối mịt, bà xuất hiện ở cửa phòng, tay xách một túi trái cây. Chị L. hỏi bác đi sao không nói với ai tiếng nào, làm mọi người lo. Bà cười như mếu: "Bữa nay đám giỗ ông nhà tui. Tui không còn nhà để bày biện cúng kính, chỉ mua mấy đồng trái cây lên nghĩa trang thắp nhang lạy ổng. Về tới bệnh viện, tui mệt, ngồi dưới gốc cây ngoài sân nghỉ chân một đỗi...". Nói đoạn, bà lấy cớ rửa mặt, giấu dòng nước mắt chưa khô.
Một quan chức của tỉnh vào tận nơi thăm, bảo bà: "Thím làm cái đơn đề nghị, tôi giao cơ quan chức năng lấy lại nhà cho thím rồi trị thằng đó, đuổi khỏi ngành luôn. Thím đừng mềm lòng, loại vô đạo đức như vậy chữa bệnh cho ai?". Bà níu tay ông ta, khóc: "Tui hổng viết đơn đâu. Ông có giải quyết được nhà cho tui thì tui biết ơn, nhưng đừng đuổi nó, ông đuổi, nó biết làm gì kiếm miếng cơm?"
Chị D lại là một trường hợp hy hữu khác. 17 tuổi chị được đào tạo lớp y tá cấp tốc để phục vụ chiến trường, 18 tuổi vừa ra trạm phẫu tiền phương tròn ba tháng thì miền Nam giải phóng. Thời gian công tác ở trạm phẫu, chị được giao chăm sóc một thương binh bị trúng đạn gãy chân trái và chảy máu tai. Bố, mẹ, em gái anh đều đã chết trong chiến tranh. Khi đi phép, chị dẫn anh về ra mắt gia đình. Một đám cưới đơn giản diễn ra sau đó. Cha chị người Bình Định, đất nước thống nhất, ông đưa gia đình về quê, cả chàng rể thương binh cũng theo về.
Mỗi khi trở trời, chồng chị chịu những cơn đau buốt vùng đầu. Một bác sĩ quân y đã phẫu thuật gắp từ đầu anh ba mảnh đạn. Cũng chính người bác sĩ ấy cứu sống mẹ và con trai chị sau một tai nạn ô tô. Cả gia đình nhủ rằng sẽ kết cỏ ngậm vành chịu ơn ông, cái ơn lớn không biết bao giờ trả nổi.
Vị bác sĩ quân y nghỉ hưu được ít lâu thì vợ ông mất, rồi ông bị tai biến nằm một chỗ. Vợ chồng chị hay tin, bàn nhau đền đáp ơn nghĩa trời biển của ông. Và chị trở thành người chăm sóc đặc biệt, bất kể lúc ông ở nhà hay vào bệnh viện. Nhưng, không chỉ có thế. Với nghiệp vụ y tá được đào tạo thời trẻ, với lòng thương người đầy ắp thiên lương, chị, ngoài việc chăm sóc ân nhân, đã không quản ngại chăm sóc giúp đỡ những người bệnh nặng nằm cùng phòng. Chị, luôn bị kêu vói, nhờ vả, tất nhiên cũng luôn được mọi người dành cho ánh mắt biết ơn, nụ cười trìu mến.
Hỏi thăm chị về anh, chị bảo: “Anh lắp chân giả, đi lại được, tự lo cho mình được. Chính anh bảo chị phải chăm sóc bác Đ. thật chu đáo để trả ơn bác ấy cứu mạng cả nhà mình.”
Tôi gặp họ năm 2008. Chị L hiện nay vẫn "thường trực" phòng số 1 khoa Nội trung cao. Sau chị L, chị D cũng thường xuất hiện kèm với ông cựu bác sĩ nọ và được bà con gọi là “chủ nhiệm” các ca khó đỡ. Còn bà cụ X, ngọn đèn ngày ấy đã lắt lay trước gió, mười năm qua, bầu trời đã rụng và đã mọc thêm biết mấy ngôi sao.
Cứ nhấp nháy, lặng lẽ như vậy.
TTHT