Khảo sát năng lực học sinh lớp 12: Linh hoạt theo thực tế
Cùng với việc vừa dạy vừa ôn thi THPT Quốc gia năm 2018 cho học sinh lớp 12, các trường THPT còn dự kiến tổ chức các đợt khảo sát năng lực (thường gọi là thi thử) nhằm giúp các em trải nghiệm tâm lý làm bài trong môi trường giống y như kỳ thi thật.
Nhu cầu chính đáng
Ngay từ đầu năm học, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 12 của nhiều trường THPT đã đặt vấn đề với ban giám hiệu về việc tổ chức thi thử cho học sinh khối 12 vì nhận thấy học sinh được lợi rất nhiều từ việc này. Cách đây vài tuần, Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Quốc học Quy Nhơn đã đề đạt lại ý kiến này lên Ban giám hiệu sau cuộc tổ chức lấy ý kiến với kết quả 100% phụ huynh khối 12 nhất trí.
Tham gia kỳ thi thử sẽ giúp rèn tâm lý, chiến thuật làm bài thi.
- Trong ảnh: Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.
“Chúng tôi thấy việc này rất cần thiết. Bởi khi tham gia thi thử, học sinh sẽ được rèn tâm lý trường thi. Tiếp đến là chiến thuật làm bài thi. Từ bài thi thử, giáo viên sẽ phân tích, giảng giải, giúp các cháu nhận ra những lỗ hổng, có vậy mới biết đường mà bổ khuyết”, ông Lâm Thiên Tứ, Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Quốc học Quy Nhơn, cho biết.
Về phía học sinh, khá nhiều em bày tỏ mong muốn được thi thử. Một nhóm nữ sinh ở Quy Nhơn lý giải: “Kỳ thi thử sẽ cho tụi em nhiều kinh nghiệm về cách tiếp xúc đề, cách làm các dạng câu hỏi và cách canh thời gian làm bài”. Trong khi đó, các học sinh lớp 12 ở Hoài Nhơn khẳng định sự cần thiết của kỳ thi thử bằng cách so sánh với việc giải đề trên mạng tại nhà: “Rèn luyện tâm lý rất quan trọng. Có rất nhiều đề thi hay trên mạng, nhưng ngồi ở nhà giải là một chuyện, vào phòng thi lại là chuyện khác…”.
Linh hoạt để hiệu quả
Trước nhu cầu của phụ huynh và học sinh, từ tuần này, các trường THPT bắt đầu lên kế hoạch tổ chức những đợt khảo sát năng lực học sinh bằng những hình thức phù hợp.
Qua khảo sát, đa số các trường THPT công lập chọn cách tổ chức kỳ thi thử y như kỳ thi thật với mục đích giúp học sinh của nhà trường - chủ yếu là nhóm khá, giỏi - biết khả năng mình đang ở đâu. Trong khi đó, các trường công lập tự chủ lại chọn những cách tổ chức khác, bởi những kỳ thi như thật vài năm qua không đạt được hiệu quả như mong muốn.
“Nghĩ là thi thử nên một số em đã không cố gắng làm bài hết sức mình, tạo ra độ nhiễu khá lớn giữa kỳ thi thử và thi thật. Vậy nên năm nay, trường dự kiến không tổ chức thi thử ở quy mô toàn khối 12 nữa mà thu nhỏ về từng lớp, giáo viên các bộ môn sẽ cho các em làm bài trong thời gian ôn tập. Yêu cầu quan trọng nhất đặt ra là phải tạo cho các em sự trải nghiệm qua một bài thi trong chừng ấy thời gian, làm sao cho tốt nhất”, thầy Nguyễn Quý Chi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Phù Mỹ), chia sẻ.
Tương tự, năm nay Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TX An Nhơn) quyết định ngừng việc tổ chức thi thử. Thầy Lê Văn Dư, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chiều thứ Bảy hàng tuần, tất cả học sinh lớp 12 sẽ có mặt tại trường để tham gia buổi củng cố kiến thức cho kỳ thi. Trong khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, giáo viên các bộ môn sẽ lần lượt nêu câu hỏi và chỉ bất kỳ học sinh nào trả lời. Sau đó giáo viên sẽ đưa ra đáp án, phân tích tại sao đúng, tại sao sai và hướng dẫn học sinh những cách, mẹo trả lời nhanh và chính xác nhất”.
Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh là cách các trường đang hướng đến nhằm phát huy hiệu quả các kỳ thi thử. Việc này đã mang lại kết quả đáng phấn khởi cho Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Quy Nhơn. “Chúng tôi báo ngay với phụ huynh về kết quả kỳ thi thử và phối hợp chặt chẽ với họ trong việc đôn đốc, nhắc nhở học sinh lấp lỗ hổng kiến thức. Việc này luôn được tiến hành một cách linh hoạt, tế nhị nhưng tạo ra những áp lực cần thiết cho học sinh. Nhờ vậy, năm ngoái, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của trường là 99%”, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Vinh trao đổi.
NGỌC TÚ