Giải pháp hữu hiệu chống thất thu ngân sách
Ra đời giữa năm 2017, quy chế phối hợp trong công tác thu, nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh được ví như một khung pháp lý quy định rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp nhằm tăng thu và chống thất thu ngân sách.
Quy chế phối hợp trong công tác thu, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định 2116/QĐ-UBND ngày 14.6.2017, trong bối cảnh Luật NSNN quy định ngày càng chặt chẽ cân đối thu - chi ngân sách, cộng với yêu cầu cấp thiết về chống thất thu thuế.
Tăng thu, chống thất thu
Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Tài chính, đánh giá, hiệu quả của quy chế phối hợp này thể hiện khá rõ qua tổng thu NSNN phát sinh trên địa bàn đến hết năm 2017 (chưa kể thu chuyển nguồn) hơn 7.570 tỉ đồng, vượt 23,5% dự toán năm và tăng 16,6% so cùng kỳ năm trước. Các sở, ban, ngành và địa phương đã tích cực tham mưu, chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp cùng các cơ quan tài chính, thuế, hải quan...
Bộ phận tổng hợp - nghiệp vụ - dự toán của Cục Thuế tỉnh phối hợp trao đổi và cung cấp thông tin thu ngân sách với các sở, ngành liên quan.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phạm Ngọc Hải, với riêng ngành Thuế, quy chế phối hợp này là cơ sở để ngành chủ động đề xuất các “quy chế nhỏ”, nhất là những lĩnh vực “nóng” như thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh. Trong năm qua, ngành Thuế tỉnh đã tăng thu NSNN hơn 8,6 tỉ đồng, đưa vào lập bộ trên 290 hộ, với số tiền thuế tăng thêm 77 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, công tác phối hợp được đẩy mạnh, quy trách nhiệm cụ thể cho các ngành, địa phương. Trong đó, Cục Thuế phối hợp Cục Hải quan thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng khi có yêu cầu theo đúng quy định. Đơn vị cùng Sở Tài chính phối hợp thực hiện ghi thu vào ngân sách tiền hỗ trợ, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp. Cục Thuế cũng phối hợp với Sở TT&TT và các ngành liên quan xây dựng phần mềm lưu trú trực tuyến chống thất thu ở lĩnh vực dịch vụ lưu trú; cùng Sở GTVT ký kết quy chế trao đổi, cung cấp thông tin, chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải...
“Quy chế phối hợp này là điều kiện quan trọng để ngành Thuế triển khai nghiệp vụ thu thuế, tăng thu NSNN và hạn chế tối đa tình trạng thất thu thuế; đặc biệt càng có ý nghĩa đối với UBND cấp huyện. Nói cách khác là huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong công tác thu NSNN”, ông Hải cho hay.
“Nếu thực hiện một cách đồng bộ và khai thác triệt để quy chế, không chỉ góp phần tăng thu ngân sách mà còn hạn chế tối đa thất thu trên nhiều lĩnh vực. Không ai khác, điều đó đòi hỏi sự chủ động và sáng tạo của ngành Thuế trong việc xây dựng các nội dung phối hợp cụ thể với các ngành, địa phương”.
Ông PHẠM NGỌC HẢI - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh
Ngoài chặt chẽ, đồng bộ về chỉ đạo, quản lý, quy chế phối hợp cũng đồng thời tạo ra bước đột phá trong cải tiến quy trình, thủ tục hành chính. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Đình Tòng cho hay, từ sự phối hợp giữa Sở và Cục Thuế tỉnh, khâu cấp mã số thuế tự động cho các DN mới thành lập đã được liên thông, “số hóa” và rút ngắn thời gian từ 3 ngày xuống chỉ còn… 30 phút. Tất cả hồ sơ hoàn thuế xuất khẩu và đầu tư được phối hợp thực hiện bằng phương thức điện tử, giải quyết nhanh cho DN.
Hay, sự phối hợp giữa Cục Thuế tỉnh với Sở TN&MT trong việc trao đổi thông tin về đất đai để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thông tin tình hình nợ thuế của các DN trước khi thực hiện cấp phép, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định để có căn cứ ra thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Nghi cũng cho rằng, công tác phối hợp theo quy chế vẫn còn những hạn chế nhất định. Mới có một số địa phương như Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn ban hành các quy chế phối hợp công tác thu, nộp ngân sách trên địa bàn; số còn lại chưa ban hành quy chế phối hợp cụ thể, hoặc chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Việc thực hiện quy chế phối hợp ở từng địa bàn, địa phương chưa toàn diện, chưa thường xuyên trao đổi thông tin, chưa có phương án, kế hoạch cụ thể cho từng thời điểm và thực tế địa phương...
UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường trách nhiệm trong phối hợp thực hiện quy chế; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Riêng Cục Thuế tỉnh tập trung triển khai và chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc và các chi cục thuế triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ quản lý kê khai, nộp thuế, xử lý nợ đọng, tăng thu, chống thất thu NSNN ở các cấp.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố chưa ban hành quy chế phối hợp và xây dựng kế hoạch triển khai công tác này, UBND tỉnh yêu cầu phải khẩn trương thực hiện trong quý I/2018. Quá thời hạn nêu trên, địa phương nào chưa triển khai thì chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
“Nếu thực hiện một cách đồng bộ và khai thác triệt để quy chế, không chỉ góp phần tăng thu ngân sách mà còn hạn chế tối đa thất thu trên nhiều lĩnh vực. Không ai khác, điều đó đòi hỏi sự chủ động và sáng tạo của ngành thuế trong việc xây dựng các nội dung phối hợp cụ thể với các ngành, địa phương. Ở cấp huyện, chi cục thuế cũng phải biết vận dụng quy chế để tham mưu lãnh đạo huyện chỉ đạo các thành viên phối hợp, hỗ trợ cơ quan thuế một cách triệt để”, ông Phạm Ngọc Hải nhấn mạnh.
MAI HOÀNG