Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn: Ðưa trò chơi dân gian vào trường học
Gần đây, giờ ra chơi ở Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) ngập tràn không khí vui nhộn từ các trò chơi dân gian, tạo nên khung cảnh thật đáng yêu cho ngôi trường.
Thầy Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, cho biết: “Ngắm học trò của mình, tôi thường nghĩ, sao những trò ngày trước tôi hay chơi, giờ lại vắng bóng trong sân trường, sao các em thường rượt đuổi hoặc chơi game. Do đó, tôi tìm cách đem trò chơi dân gian như ô ăn quan, chơi keo, cờ chém gánh, cờ bí, cờ ngay… vào trường học”.
Trò chơi banh đũa (có nơi còn gọi là chơi nẻ) là trò chơi giúp trẻ tập luyện sự khéo léo.
Đầu năm học 2017 - 2018, Trường tiến hành xây dựng một cách sáng tạo khu vui chơi cho học sinh; vận động phụ huynh tài trợ các lốp xe lớn không dùng nữa để làm đế bàn cờ, bàn chơi nẻ. Các thầy cô chỉ bày để các em chơi các trò như chơi chuông, ô ăn quan, chơi keo…
Để truyền cảm hứng, vào đầu buổi học, nhiều thầy cô vui vẻ chơi với học trò của mình. Đích thân thầy hiệu trưởng cũng nhập cuộc, vui chơi cùng các em. Sau một chút e ngại, các em hào hứng, yêu thích và chủ động bày cuộc chơi. Thầy Giả Tấn Trọng khẳng định: “Từ ngày các em yêu thích các trò chơi dân gian, nhà trường không phải tiếp các phụ huynh đến nhờ can thiệp chuyện các em trốn đi chơi game lơ là học tập. Tôi tin các trò chơi dân gian sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện năng lực cá nhân, giữ gìn tâm hồn trẻ thơ!”.
Cô Huỳnh Thị Hằng, giáo viên Tổng phụ trách Đội, chia sẻ: “Sau điểm trường chính, các điểm trường lẻ cũng được triển khai các trò chơi dân gian. Cá nhân tôi, khi nhìn các em thích thú các trò chơi ngày bé chính mình đã say mê, tôi thấy hạnh phúc!”.
Đến với Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn vào đầu buổi học hoặc vào giờ ra chơi, người ta dễ có cảm giác tuổi thơ mình đang quay lại. Bên cạnh các nhóm học sinh chăm sóc các con vật mình yêu thích như thỏ, ngỗng, nhóm đọc sách ở thư viện xanh, là rất nhiều nhóm học sinh đang chơi các trò dân gian từ lâu nhiều người trong chúng ta đã quên bẵng.
Em Trương Hào Nhiên, học sinh lớp 3C, chia sẻ: “Ngoài chơi nẻ, em còn biết chơi chuông. Trò chơi ở đây thật nhiều, chơi cùng các bạn em vui lắm. Đôi lúc em còn xin mẹ ở lại chơi thêm một lát mới về”. Hòa cùng cuộc trò chuyện, em Đỗ Tấn Đạt hồn nhiên khoe: “Em còn biết chơi cờ nữa, em học chơi từ thầy và các bạn, chơi cờ hay hơn chơi game”.
Tự hào phong trào của trường mình, tại Hội thi Đội viên tài năng huyện Tuy Phước, trong các tiết mục văn nghệ dự thi, học sinh tiểu học số 1 Phước Sơn trình diễn sinh động nhiều hoạt cảnh về trò chơi dân gian, giới thiệu với các bạn trường khác, điều này góp phần giúp Trường đạt giải nhất toàn đoàn.
“Việc đem trò chơi dân gian vào trường học không chỉ giúp học sinh có điều kiện chơi các trò chơi lành mạnh mà còn giúp nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng cho học sinh. Tôi và nhiều phụ huynh khác ủng hộ việc đem trò chơi dân gian trở lại với học sinh”, ông Võ Xuân Cảnh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn chia sẻ.
THẢO KHUY