Tuổi thơ và dải Ngân hà
Câu chuyện bắt đầu bằng một bài giảng của thầy giáo: “Có người gọi đây là sông, cái dải mờ mờ trăng trắng đây này, lại có người gọi đây là dòng sữa, các trò có biết đó là gì không?”. Nhân vật chính Giovanni đã bước đến dải Ngân hà từ bài học đời thực cho đến lễ hội Ngân hà và xuyên suốt là một hành trình mộng tưởng.
Giovanni có một người mẹ đau yếu và bản thân lại phải vừa đi làm thêm vừa học. Cha cậu chưa trở về từ một chuyến đi xa. Ðiều này làm cậu bé mặc cảm với bạn bè, vì cảm giác sợ sự cô đơn. Giovanni chỉ an tâm khi ở bên Campanella, người không bao giờ trêu chọc mình.
Trong một lần nằm giữa bãi cỏ trên một quả đồi, Giovanni đã “du hành” đến dải Ngân hà. Cậu bé trải qua rất nhiều ga. Cậu bé gặp rất nhiều người. Nhưng, xuyên suốt chuyến du hành, cậu vẫn nhớ và quan sát người bạn đồng hành. Tất nhiên, cậu nhớ mẹ.
Dải Ngân hà như một ẩn dụ cho một thế giới đầy khao khát, rực rỡ; ở đó tuổi thơ có quyền được mộng tưởng. Những nỗi niềm rất trẻ con mà cũng rất người lớn, nhiều luận đề được đặt ra. Giovanni đã từng đặt câu hỏi về tình bạn: “Vậy là chỉ còn hai đứa mình, chúng ta sẽ bên nhau đi đến tận cùng trời cuối đất nhé”; về hạnh phúc: “Nhưng hạnh phúc thật sự là gì nhỉ?”. Những cảnh tượng đẹp trong dải Ngân hà là một cách thức phơi bày sự cảm nhận tinh tế, và một trí tưởng tượng tràn ngập của một đứa trẻ.
Kết thúc truyện, Giovanni đã quay về với đời thường, cậu nhớ rằng phải đi lấy sữa cho người mẹ đang đau yếu của mình. Ngay thời điểm đó, cậu biết tin, Campanella đã bị ngã xuống nước mà không tìm được dấu vết. Giovanni tin rằng người bạn ấy đã đến được dải Ngân hà…
Chuyến du hành đã kết thúc. Nhưng đọng lại nhiều hơn nữa, về tuổi thơ, những đứa trẻ xung quanh ta, chúng cũng chứa đựng trong tâm hồn mình một dải Ngân hà, và người lớn cũng có thể đặt vào tay chúng một dải Ngân hà lấp lánh. Và cũng đừng quên rằng, mọi dải Ngân hà như vậy đều rất mong manh.
MẪU ĐƠN
* Ðọc “Chuyến tàu đêm trên dải Ngân hà” của Kenji Miyazawa, Thanh Ðiền dịch, NXB Văn Học, 2018.