Tổ hợp tuyển sinh “lạ”: “Rất buồn cho giáo dục đại học nước ta”
Trước các tổ hợp tuyển sinh “lạ” như ngành kế toán, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin… tuyển thí sinh khối có môn Văn, ngành xã hội lại “chào đón” dân khối A, TS Hồ Bất Khuất, giảng viên Trường ĐH Vinh bày tỏ: “Rất buồn cho giáo dục đại học nước ta”.
Tiến sỹ Hồ Bất Khuất, giảng viên Khoa Báo chí - Trường Đại học Vinh.
TS Hồ Bất Khuất chia sẻ: “Có thể nói thẳng thế này, lợi dụng xu hướng các trường ĐH ngày càng có nhiều quyền (có thể bỏ cả điểm sàn) nên một số trường ĐH cố gắng tuyển lấy được để có SV mà tồn tại.
Họ không cần dựa vào sở trường, sở đoản (cao hơn là năng khiếu) để tuyển sinh và đào tạo cho có chất lượng, mà chỉ muốn tuyển được nhiều sinh viên”.
Theo TS. Hồ Bất Khuất, với xu hướng tuyển sinh kiểu “vơ bèo vạt tép” nói trên, nếu Bộ GD-ĐT không can thiệp, “tuýt còi”, thì xã hội cũng nghi ngờ và tẩy chay. Xu hướng này khó tồn tại và phát triển.
Trước đó, như Lao Động đã thông tin, trước mùa tuyển sinh ĐH năm nay, cùng với quy định bỏ điểm sàn, một số trường ĐH công bố một số tổ hợp tuyển sinh “lạ”, chưa từng có.
Cụ thể, ngành “Công nghệ kỹ thuật ôtô”, “Công nghệ chế tạo máy”, “Công nghệ kỹ thuật xây dựng”, “Công nghệ thông tin”, “Kế toán”, “Tài chính ngân hàng”… đều xét tuyển theo tổ hợp các môn thuộc khối Văn - Sử - Địa.
Có trường ĐH, thay vì tuyển sinh ngành Văn học bằng tổ hợp khối C, lại xét tuyển bằng cả tổ hợp Toán, Lý, Hóa.
Xuất hiện những tổ hợp môn tuyển sinh khá lạ lùng như “Văn, Lý, Địa”, “Văn, Hóa, GDCD”, “Toán, Sử, Địa”…
Trước thực trạng nêu trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: Luật quy định các trường được đảm bảo quyền tự chủ nhưng phải có trách nhiệm giải trình về việc các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo hay không và quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh như thế nào. Nếu trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan đến ngành đào tạo là “tự sát”.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, nếu thấy những tổ hợp quá bất thường, sẽ yêu cầu nhà trường giải trình, và có các biện pháp xử lý thích hợp.
Một số giảng viên ĐH khác cho hay, thực trạng nói trên là kết quả của việc mở trường ĐH ồ ạt, thiếu quy hoạch, tỉnh nào cũng đua nhau mở trường, nâng cấp từ CĐ lên ĐH, tạo ra “lạm phát” số lượng và suy giảm chất lượng đào tạo ĐH. Dẫn đến nhiều hệ lụy như hàng trăm nghìn cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, nhiều trường ĐH rơi vào tình cảnh không tuyển được sinh viên, đứng trước nguy cơ giải thể.
Theo QUANG ĐẠI (LĐO)