Chọn nghề, đừng quên thông tin từ thị trường lao động
Học sinh năm cuối bậc THPT đang đứng trước những lựa chọn ngành nghề tương lai. Những câu chuyện chọn nghề, nhu cầu của thị trường lao động sau đây sẽ là những thông tin có ích giúp người trẻ có sự lựa chọn phù hợp.
Các bạn trẻ nên quan tâm đến các thông tin dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động để có những lựa chọn phù hợp.
- Trong ảnh: Học sinh THPT TP Quy Nhơn tham gia buổi tư vấn hướng nghiệp do Tỉnh Đoàn phối hợp với các đơn vị tổ chức.
Lắng nghe tư vấn, nhận biết năng lực
Rất ít học sinh biết rằng, ngay tại tỉnh Bình Định, một bộ phận không nhỏ những người đang theo học tại các trường nghề đã từng là sinh viên đại học.
Trước khi học nghề, anh Nguyễn Hữu Hội (SN 1989, cựu sinh viên khoa Điện Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn) từng là sinh viên Sư phạm Hóa, Trường ĐH Quy Nhơn. Hiện, anh đã ra trường và đang làm việc tại quê nhà - tỉnh Khánh Hòa. Anh Hội cho biết: “Tôi biết rõ mình thích sửa chữa máy móc nhưng ở thời điểm quyết định cuối cấp III vẫn nghiêng theo nguyện vọng của gia đình và xu hướng chọn nghề nhẹ nhàng, ít tốn học phí. Trong thời gian học đại học, tôi xin đi làm thêm, phụ sửa chữa máy móc và phát hiện ra mình tiếp thu nhanh trong lĩnh vực này. Sau nhiều lần cân nhắc, tôi quyết định nghỉ học đại học và sang học nghề. Nếu được chọn lại, tôi sẽ mạnh dạn, dứt khoát đi học nghề!”.
Một trường hợp khác, anh Nguyễn Văn Quốc (22 tuổi, quê ở huyện Phù Cát) hiện là sinh viên năm cuối Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, cũng có gần 1 năm theo học ngành kinh tế tại một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh. Ngã rẽ này bắt nguồn từ việc kinh tế gia đình khó khăn, Quốc quyết định về quê học nghề, rút ngắn được thời gian học tập, giảm bớt chi phí cho gia đình. “Thêm nữa, trong thời gian học đại học tại Sài Gòn, tôi đọc nhiều thông tin và nhận ra nhu cầu nhân lực có tay nghề của xã hội hiện rất lớn, trong khi rất nhiều người học đại học vẫn thất nghiệp sau khi ra trường. Điều này hoàn toàn ngược lại so với những suy nghĩ trước đó khi tôi còn học THPT, rằng vào được đại học sẽ có nhiều cơ hội việc làm, nhất là việc làm có thu nhập khá”.
Hiện tại, nhiều học sinh phổ thông nhận biết được năng lực, sở trường của mình, lắng nghe tư vấn và nắm bắt nhu cầu của xã hội, địa phương khi định hướng tương lai. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều phụ huynh giữ quan điểm: con phải vào bằng được trường đại học, ba mẹ sẵn sàng làm thuê làm mướn, vay mượn để nuôi con học đại học, bất chấp năng lực, nguyện vọng của con, nhu cầu xã hội.
Đại học không phải con đường duy nhất
Qua khảo sát, hơn 75% nhu cầu lao động tại sàn giao dịch việc của tỉnh trong 3 tháng đầu năm 2018 là lao động có tay nghề. Số vị trí việc làm yêu cầu trình độ ĐH, CĐ chỉ hơn 10%, thấp hơn nhu cầu lao động phổ thông. Thế nhưng, oái ăm thay, các ứng viên tham gia tìm việc tại sàn giao dịch việc làm có trình độ ĐH, CĐ lại chiếm hơn 70%.
TP Hồ Chí Minh, nơi thu hút nhiều lao động Bình Định đến học tập và làm việc, vừa công bố dự báo nhu cầu nhân lực thị trường lao động năm 2018. Theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, xu hướng nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn năm 2018 vẫn nghiêng về lao động chưa qua đào tạo (24,68%), công nhân kỹ thuật lành nghề (11,85%), lao động hệ trung cấp (20,17%), lao động trình độ CĐ (15,66%), trình độ ĐH (18,71%), sơ cấp nghề (8,15%)... Trong khi đó, nhu cầu chọn nghề theo trình độ đào tạo của học sinh năm 2017 vẫn tập trung chủ yếu ở trình độ ĐH với 80,9%, CĐ 12,8%, trung cấp chiếm 5,43%.
Chênh lệch lớn giữa nhu cầu lao động có trình độ đại học của DN với nhu cầu chọn nghề theo trình độ đại học và chuyện có hơn 215 ngàn người có trình độ “đại học trở lên” đang thất nghiệp (Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 16, quý IV/2017) là một thông tin rất đáng quan tâm. Nhất là khi việc đậu vào đại học, nhất là các trường thuộc “nhóm dưới” đã dễ dàng hơn ở thời điểm hiện tại. Điều ấy cũng có nghĩa, dư thừa lao động có trình độ “đại học trở lên” sẽ còn có nhiều cơ hội gia tăng.
* “Bên cạnh Ðại học, chúng ta còn nhiều lựa chọn khác phù hợp với học lực, hoàn cảnh gia đình, đam mê, năng lực cá nhân và nhu cầu xã hội. Học cao đẳng, trung cấp mà mục tiêu rõ ràng, năng lực, kỹ năng tốt thì việc làm đâu có thiếu, bởi nhu cầu lao động trình độ này rất lớn” - Chuyên gia tâm lý HUỲNH ANH BÌNH, Giám đốc của Trung tâm Hướng nghiệp TP Hồ Chí Minh, chia sẻ với học sinh THPT tại TP Quy Nhơn trong chương trình hướng nghiệp do Tỉnh Ðoàn phối hợp với các đơn vị tổ chức vào đầu tháng 3.2018.
* Giữa tháng 3.2018, Bộ LÐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê đã công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 16, quý IV/2017. Ông Ðào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội, dự báo các ngành chế biến - chế tạo, ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin, phần mềm… vẫn “khát” lao động. Ngoài ra, sinh viên cần trau dồi ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, khả năng và tư duy phản biện, sáng tạo, làm việc độc lập… trong quá trình học tập để tăng cơ hội nghề nghiệp khi ra trường.
NGUYỄN MUỘI