Ðưa di sản bài chòi vào trường học: Cần được định hướng, hỗ trợ
Tuy chưa thành hoạt động mang tính bắt buộc, song với lòng nhiệt tình tham gia giữ gìn di sản, nhiều trường học trong tỉnh đã chủ động đưa bài chòi vào để học sinh tiếp cận, thực hành diễn xướng. Ðây là điều rất đáng ghi nhận, nhưng để hiệu quả, không chỉ là nỗ lực của nhà trường mà cần đến vai trò tổ chức, định hướng, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn.
Hội đánh bài chòi ở Trường Mầm non Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn.
Những tín hiệu vui
Địa phương có nhiều trường học tích cực hưởng ứng công tác trên là huyện Hoài Nhơn. Trong đó, Trường THCS Hoài Châu được xem là ngôi trường đầu tiên trong tỉnh thực hiện đưa bài chòi dân gian vào trường học, thông qua việc thành lập CLB bài chòi cổ Bình Định, duy trì sinh hoạt thường xuyên; mời nghệ nhân đến trang bị kiến thức, tập huấn; tổ chức hội đánh bài chòi…
Có một điểm rất thú vị là ở Hoài Nhơn, bài chòi còn vào đến trường mầm non. Đầu năm 2018, Trường Mầm non Hoài Thanh Tây lần đầu tổ chức hội đánh bài chòi cho các cháu, có sự cải biến để phù hợp. Tại đây, 12 thẻ bài tượng trưng cho 12 con giáp (tên con giáp cũng là tên thẻ bài) được sáng tạo thay cho bộ 27 thẻ bài ở hội chơi người lớn. Hệ thống câu thai cũng nhẹ nhàng, phù hợp. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Rạng, chủ nhiệm CLB bài chòi cổ xã Hoài Thanh, hội đánh bài chòi măng non ấy đã diễn ra rất sôi nổi, tự nhiên, đáng yêu.
Tại TP Quy Nhơn, hiện tất cả 21 trường THCS trên địa bàn đang chuẩn bị tích cực cho Hội thi diễn xướng bài chòi dân gian học sinh các trường THCS lần thứ 1 năm 2018, do Trung tâm VH-TT&TT, Phòng GD&ĐT thành phố phối hợp tổ chức. Cũng với hình thức hội đánh bài chòi, nhu liệu chính để học sinh mỗi trường tổ chức là hệ thống câu thai phù hợp cho đối tượng tham gia trình diễn, thưởng thức di sản. Ở khâu này, một phần do ban tổ chức cung cấp, mang tính hỗ trợ (khoảng 40 câu), còn lại do các trường sưu tầm, sáng tác. Theo lãnh đạo Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, hội thi là kế hoạch mà đơn vị tâm huyết tổ chức từ nhiều năm qua, do đó đã chuẩn bị, tích lũy về câu thai thông qua nguồn sưu tầm, nhờ những cá nhân có năng khiếu sáng tác…
Cần được hỗ trợ bài bản
Trường học là kênh bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản có tiềm năng, mức độ lan tỏa lớn. Tuy vậy, thực tế cho thấy, công tác này đang diễn ra khá tự phát, phụ thuộc chính vào khả năng am hiểu di sản, điều kiện tổ chức của mỗi trường.
Theo một số nghệ nhân bài chòi cũng như lãnh đạo phòng VH-TT, trung tâm VH-TT&TT các địa phương, trước mắt nổi lên 2 nhu cầu cần sớm được hỗ trợ là: hệ thống câu thai đảm bảo giá trị nghệ thuật, nội dung tư tưởng, thẩm mỹ, giáo dục, phù hợp với môi trường học đường; đội ngũ phụ trách việc tổ chức và truyền dạy bài chòi đến học sinh (thông thường là giáo viên âm nhạc, cán bộ Đội, Đoàn) phải được trang bị, tập huấn một cách thường xuyên, bài bản để vững chuyên môn, có vậy mới đảm đương việc tổ chức phong trào.
“Sự chủ động, nhiệt huyết góp phần gìn giữ, quảng bá di sản của các trường là rất đáng trân trọng. Song để đảm bảo hiệu quả và tránh nguy cơ nhầm lẫn về loại hình, nhạt phai bản sắc, chất cổ dân gian của di sản bài chòi mà UNESCO đã công nhận, việc đưa bài chòi vào trường học cần sớm được tổ chức một cách toàn diện, nhất là có sự định hướng, hỗ trợ về chuyên môn để theo đó các trường, địa phương có cơ sở tổ chức, thực hiện”, nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha đề xuất.
“Chuẩn bị cho hội thi Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, do Phòng GD&ÐT huyện tổ chức, trường chúng tôi muốn tham gia bằng một hoạt động mang tính cổ truyền, dân gian, gần gũi với địa phương và quyết định chọn bài chòi. Trường có nhờ chú Ðào Duy Nhơn (hậu duệ Ðào Duy Từ - được xem là ông tổ của bài chòi dân gian ở Bình Ðịnh), gợi ý về 12 thẻ bài con giáp và câu thai mới tương ứng, để từ đó chúng tôi triển khai cụ thể mọi việc. Ðây là hoạt động rất mới, khả năng sáng tác của đội ngũ giáo viên trong trường cũng có hạn nên chất lượng câu thai chưa hay. Ðiểm khích lệ cho chúng tôi là ngành, địa phương và phụ huynh rất ủng hộ, động viên…”.
Bà NGUYỄN THỊ THẠO - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoài Thanh Tây, Hoài Nhơn
SAO LY