Hoài Ân phát triển cây ăn quả theo hướng VietGAP
Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, đến năm 2016, trên địa bàn huyện Hoài Ân có trên 1.330 ha cây ăn quả các loại, song chủ yếu trồng tự phát, manh mún, chất lượng không đồng đều. Do đó, trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Hoài Ân giai đoạn 2016 - 2020 có hoạt động thí điểm mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP.
Một vườn bưởi da xanh ở Hoài Ân. Ảnh: VĂN HÙNG
Huyện đã ký hợp đồng với Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ quy hoạch và xây dựng mô hình phát triển cây ăn quả giá trị cao; khuyến khích người dân tiếp tục phát triển diện tích dừa xiêm, quýt đường, chôm chôm… Cuối năm 2016, huyện đã triển khai mô hình trồng cây ăn quả theo hướng nông nghiệp tốt, chọn 2 loại cây chủ lực là bưởi da xanh và bơ sáp, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân để nhân rộng mô hình và tạo bước đột phá trồng nhiều loại cây ăn quả khác.
Huyện cũng đã cấp 30 ha đất ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông cho một DN để trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Hiện DN này đã hoàn thành san lấp mặt bằng, lắp đặt hệ thống tưới, bón phân tự động; trồng 18 ha khoai lang đỏ ruột Thái Lan để nhân giống, đồng thời cải tạo đất; sau khi thu hoạch sẽ trồng các loại cây ăn quả, chủ yếu là bưởi và mít Thái Lan để xuất khẩu.
Từ cuối năm 2016 đến nay, các hộ tham gia mô hình trồng cây ăn quả của huyện đã trồng gần 40 ha, trong đó trên 25 ha bưởi da xanh. Huyện cũng đã thành lập tổ công tác để trực tiếp theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; đồng thời đã hỗ trợ một lượng lớn cây giống như dừa xiêm, bưởi da xanh cho nông dân trong huyện trồng phân tán.
VĂN HÙNG