Chuyên nghiệp hóa dịch vụ trợ giúp pháp lý
Lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm; sử dụng hiệu quả các nguồn lực để cung cấp kịp thời dịch vụ, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp hóa dịch vụ trợ giúp pháp lý… Theo Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn, đó là những điểm mới nổi bật của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018 (thay thế Luật TGPL năm 2006); có 8 chương, 48 điều, quy định về người được TGPL, tổ chức- người thực hiện TGPL, hoạt động TGPL và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động này.
Hoạt động TGPL sẽ được nâng cao chất lượng sau khi Luật TGPL đi vào thực tiễn.
Nâng cao chất lượng dịch vụ
* Đánh giá tổng kết 8 năm thi hành Luật TGPL năm 2006 cho thấy chất lượng vụ việc TGPL nhiều lúc còn chưa bảo đảm, chưa chuyên nghiệp, chưa được xã hội đánh giá cao. Theo ông, đâu là nguyên nhân, và hướng khắc phục là gì?
- Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là trình độ, năng lực của người - tổ chức thực hiện TGPL chưa cao. Bên cạnh đó là nhận thức chưa đúng, cho rằng TGPL là hoạt động miễn phí nên chất lượng không cần cao. Cơ chế quản lý, việc kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL cũng còn mang tính hình thức.
Vì vậy, nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL là mục tiêu được quan tâm, xuyên suốt khi triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025 và khi xây dựng, thông qua Luật TGPL năm 2017. Để đạt được mục tiêu này, Luật TGPL năm 2017 đã có các quy định chặt chẽ về đội ngũ thực hiện TGPL, tổ chức tham gia TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL.
Đơn cử, Luật đã nâng cao tiêu chuẩn đội ngũ trợ giúp viên pháp lý như luật sư, bổ sung tiêu chuẩn phải trải qua tập sự nghề. Đồng thời, không phải bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có nguyện vọng đều được cung cấp dịch vụ TGPL như Luật TGPL năm 2006 quy định. Theo Luật năm 2017, để được cung cấp dịch vụ TGPL, các tổ chức, cá nhân cần đáp ứng yêu cầu, điều kiện tối thiểu do Luật định để bảo đảm chất lượng dịch vụ họ cung cấp. Luật cũng đặt ra yêu cầu đối với việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, nhất là quản lý chất lượng vụ việc TGPL thông qua quy định hồ sơ điện tử được số hóa, cập nhật vào hệ thống quản lý vụ việc TGPL và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu về TGPL.
* Vai trò của Sở Tư pháp được thể hiện như thế nào trong nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, thưa ông?
- Có thể nói, vai trò của Sở Tư pháp được nâng lên rõ nét thông qua quy định giao cho Sở thẩm quyền lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL. Theo đó, thông qua việc quản lý, đánh giá hoạt động của Trung tâm TGPL Nhà nước và nắm bắt yêu cầu TGPL tại địa phương, Sở Tư pháp quyết định việc lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL với các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có nguyện vọng, đáp ứng các điều kiện tối thiểu của Luật, nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu TGPL, tránh việc bỏ sót người được TGPL khi họ cần giúp đỡ pháp lý. Việc lựa chọn sẽ được thực hiện thông qua quy trình chặt chẽ, tạo tiền đề cho việc cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng.
Mở rộng đối tượng, tạo thuận lợi cho người được TGPL
* Vấn đề được quan tâm và thảo luận nhiều nhất trong quá trình xây dựng Luật TGPL năm 2017 là mở rộng diện người được TGPL, phù hợp với bản chất của TGPL và điều kiện đặc thù của đất nước. Xin ông cho biết cụ thể việc thay đổi đối tượng được TGPL?
- Luật TGPL năm 2006 chỉ quy định 6 diện được TGPL: người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Trong bối cảnh KT-XH mới của đất nước, đối tượng được TGPL đã mở rộng với 14 diện được TGPL. Trong đó, đáng chú ý có người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo. Cùng với đó là người nhiễm chất độc da cam, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, người nhiễm HIV… có khó khăn về tài chính.
* Bên cạnh mở rộng diện bao phủ, trình tự thực hiện TGPL cũng cần được bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL, nhất là việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong hoạt động tố tụng?
- Đúng vậy. Nhằm khắc phục thực trạng một số thủ tục tiếp nhận, thực hiện TGPL chưa thuận lợi, Luật TGPL năm 2017 đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó tăng cường cơ chế bảo đảm quyền được TGPL.
Cụ thể, quy định phải công bố danh sách người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL để người dân biết và thực hiện quyền lựa chọn của mình. Ngoài nộp đơn trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, người dân có thể nộp đơn yêu cầu qua email, fax để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Cơ quan TGPL thụ lý giải quyết ngay khi người yêu cầu chưa thể cung cấp hồ sơ theo quy định nhưng cần thực hiện TGPL ngay, như vụ việc sắp hết thời hiệu, sắp đến ngày xét xử. Điểm mới này thể hiện rõ nét quan điểm lấy người được TGPL làm trung tâm, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân biết và thực hiện quyền của mình.
* Xin cảm ơn ông.
Ông Lê Văn Toàn giới thiệu nội dung cơ bản của Luật TGPL năm 2017.
Ngày 28.3, UBND tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn đã giới thiệu nội dung cơ bản của Luật TGPL năm 2017. Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Huỳnh Văn Chưa giới thiệu nội dung cơ bản của Nghị định số 144/NÐ-CP (quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL) và Thông tư số 08/2017/TT-BTP (quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL).
NGUYỄN VĂN TRANG
(Thực hiện)