U23 là “lứa tuổi 23” ?
Người Việt có khả năng du nhập, vay mượn ngôn ngữ uyển chuyển và nhạy bén. Trong đời sống, nhất là với báo chí, nhiều từ, ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài được sử dụng khá phổ biến. Tuy vậy, sự mạnh dạn đôi khi dẫn tới lạm dụng, dùng sai, dùng nhầm. Hiện tượng này có vẻ đang nhiều lên một cách bất thường. Cách dùng “U” trong tổ hợp “U19”, “U23”… để chỉ tuổi là một trường hợp như vậy.
Chúng ta thích dùng tổ hợp U + số đếm mà gần như không hề quan tâm thành tố “U” bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa gì. Thật ra, “U” trong tổ hợp trên là cách nói/ viết tắt của giới từ under với nghĩa là “dưới”, “chưa đến” mà ta mượn trong tiếng Anh. Như vậy, “U19” phải là “dưới 19 (tuổi)”, “U23” phải là “chưa đến 23 (tuổi)”, “U60” phải là “chưa đến 60 (tuổi)”. Cách dùng này, thoạt đầu xuất hiện trong lĩnh vực thể thao. Ví dụ giải đấu dành cho những VĐV U19 hoặc U23 được hiểu là dành cho những VĐV dưới 19 tuổi, dưới 23 tuổi (cách tính chính xác như thế nào thì tùy vào điều lệ của giải đấu).
Nhưng về sau, nhiều người lại sử dụng tổ hợp U + số đếm, trong đó, thành tố “U” được dùng với ý nghĩa “lứa tuổi, độ tuổi”. Chẳng hạn, một tờ báo đưa tin “Lão bà U60 mua bán trái phép ma túy”. Người viết thấy có mấy điểm cần trao đổi thêm. Với các giải đấu thể thao, quy định “U” là bởi có nhiều đối tượng tham gia, người ta xác lập “U” để lọc những đối tượng không thỏa mãn về điều kiện tuổi. Ở bản tin nêu trên, đối tượng hướng tới chỉ có 1 người, vì vậy dùng “U” là không phù hợp bởi lẽ, đối tượng có số tuổi cụ thể rồi. Nếu tác giả muốn ví von có lẽ nên thông báo cho bạn đọc biết bằng cách đặt tổ hợp “lão bà U60” trong ngoặc kép. Như vậy tín hiệu ngôn ngữ đến với bạn đọc rõ ràng, chính xác và về văn bản - không có gì để bàn luận thêm.
Vay mượn tiếng nước ngoài để làm giàu cho tiếng mẹ đẻ là hiện tượng phổ biến ở mọi ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Khi sử dụng từ mượn, chúng ta nên nắm rõ nghĩa của từ để tránh dùng sai, dùng nhầm lẫn. Đối với báo chí, vốn có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, việc sử dụng từ vay mượn càng phải chính xác, thận trọng hơn.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ