Hàng loạt trường học ở Gia Lai khốn khổ vì giáo viên bị cắt hợp đồng
Hơn 500 giáo viên ở Đắk Lắk bị thông báo chấm dứt hợp đồng chưa lắng xuống những thông tin tương tự lại làm nóng dư luận tỉnh Gia Lai.
Điều khác biệt là trong khi Đắk Lắk cắt hợp đồng vì dư thừa giáo viên, thì Gia Lai phải cắt hợp đồng trong khi thiếu nhân lực trầm trọng. Việc cắt hợp đồng đang khiến cả nhà trường và giáo viên gặp nhiều khó khăn.
Việc cắt hợp đồng khiến nhiều trường học trong tỉnh Gia Lai gặp nhiều khó khăn.
Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, xã Ia Tô, huyện Ia Grai là một trong số những trường buộc phải thanh lý hợp đồng với một số giáo viên dù đang thiếu người giảng dạy.
Theo ông Trần Văn Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, trước khi tỉnh, huyện chỉ đạo thanh lý hợp đồng, trường đã thiếu 1 giáo viên, nay phải thanh lý hợp đồng 6 giáo viên, tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp càng trở nên nghiêm trọng.
Nhiều giáo viên phải đứng 2 lớp và nếu giáo viên bị ốm, buộc lòng học sinh phải nghỉ học. Ông Trần Văn Thanh cho rằng, việc cắt hợp đồng trong hoàn cảnh hiện nay là không phù hợp và cần phải được xem xét lại.
Ông Trần Văn Thanh nêu quan điểm: “Tinh giản biên chế để giảm bộ máy ăn lương nhà nước vì quá cồng kềnh, tôi hoàn toàn đồng ý vấn đề này. Nhưng việc sắp xếp chúng ta cần phải nghiên cứu, bởi trong lĩnh vực giáo dục có trẻ là phải có lớp học, cũng như lĩnh vực y tế, có bệnh nhân thì phải có bác sĩ. Giờ ta sắp xếp như thế nào để đảm bảo mỗi lớp có 1 giáo viên, chứ tình trạng thiếu giáo viên như này cực kỳ khó khăn”.
Việc cắt hợp đồng đối với giáo viên diễn ra đồng loạt tại tỉnh Gia Lai từ đầu tháng 1/2018. Khó khăn hơn cả và cũng là bậc học có số giáo viên bị cắt hợp đồng nhiều nhất tỉnh Gia Lai là bậc mầm non.
Ở nhiều trường, sau khi cắt hợp đồng, lãnh đạo nhà trường phải đứng lớp, số giáo viên còn lại phải đảm nhận đến 2 lớp.
Như tại Trường Mẫu giáo 22/12, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, sau khi 7 giáo viên bị thanh lý hợp đồng, 11 giáo viên còn lại (tính cả lãnh đạo nhà trường) phải đảm nhận 21 lớp học. Điều này làm các giáo viên trở nên quá tải và khó có thể bám trụ lâu dài.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giáo viên trường Mẫu giáo 22/12, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, cho biết: “Học kỳ 2 vừa rồi, một số giáo viên bị cắt hợp đồng. Từ đó, mỗi giáo viên còn lại phải đảm nhận hai lớp. Đi dạy cả ngày rồi tối về soạn giáo án, rất bất cấp thời gian. Trẻ thì nhỏ, đặc thù vừa học vừa chơi, cần nhiều đồ dùng tự làm. Dạy 2 lớp kiêm nhiệm, tôi cảm thấy rất khó khăn”
Ông Phạm Văn Đại, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi thực hiện thanh lý hợp đồng, các trường trong huyện hiện nay bị thiếu đến hơn 150 giáo viên.
Việc phải thanh lý hợp đồng đối với hàng loạt giáo viên, khiến hoạt động giảng dạy của các nhà trường chồng chất khó khăn.
“Việc thiếu giáo viên, không có giáo viên đứng lớp khiến một giáo viên bắt buộc phải dạy 2 lớp. Đa số các trường tiểu học và mầm non, các phó hiệu trưởng cũng phải đứng lớp, do đó cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý chung của ngành. Việc giảm như vậy, với thời gian ngắn cũng là cái khó của ngành và các thầy cô giáo. Tâm tư nguyện vọng cũng muốn cấp trên cho phép hợp đồng để giảm áp lực, cũng như đảm bảo sức khỏe cho giáo viên” - ông Phạm Văn Đại cho biết thêm.
Theo ông Huỳnh Minh Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, đến trung tuần tháng 3, đã có 8 huyện thị trong tỉnh hoàn thành việc thanh lý hợp đồng giáo viên nhưng chưa nắm được số lượng cụ thể giáo viên bị cắt hợp đồng.
Còn theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ riêng 2 huyện là Ia Grai và Chư Pưh, số lượng giáo viên bị cắt hợp đồng đã lên hơn 350 người. Nếu tính toàn tỉnh, có thể đến hàng nghìn giáo viên đã mất việc.
Lý giải về việc cắt hợp đồng trước thời hạn đối với giáo viên toàn tỉnh, ông Thuận cho biết, đó là tỉnh thực hiện Kết luận số 17 của Ban Bí thư và Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 về việc sắp xếp, tinh giản biên chế.
Có thể cách thực hiện của các địa phương trong tỉnh có điều gì đó chưa phù hợp.
Ông Huỳnh Minh Thuận lý giải: “Mục tiêu để thực hiện Kết luận 17 cũng như Nghị quyết 19, đó là bố trí, sắp xếp trường lớp, bố trí giáo viên làm sao cho phù hợp và sử dụng hiệu quả, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý, dạy học. Như vậy, việc triển khai phải có kế hoạch, lộ trình. Quy trình làm về phía Sở đã tham mưu cho tỉnh các biện pháp. Có thể những địa phương nào làm chưa phù hợp sẽ phải nắm bắt và vận dụng để triển khai thực hiện làm sao cho phù hợp, đảm bảo mục tiêu Kết luận 17 cũng như Nghị quyết 19 của Trung ương”.
Việc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương trong sắp xếp, tinh giản biên chế là cần thiết. Tuy nhiên, với cách làm máy móc như ngành giáo dục tại tỉnh Gia Lai, hàng loạt giáo viên đã bị mất việc oan ức, trong khi đó hàng trăm trường cũng lâm cảnh khốn khổ vì thiếu giáo viên. Cả nhà trường và các thầy giáo, cô giáo đều mong mỏi, ngành Giáo dục và chính quyền các cấp ở Gia Lai sớm xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
Theo Công Bắc (VOV)