Giáo dục đại học đang thiếu một chiến lược phát triển dài hạn, khả thi
Đó là sự nhìn nhận của Bộ GD-ĐT trước những hạn chế, yếu kém mà giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam đang gặp phải, tại Hội nghị tham vấn cho xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển GDĐH Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035, do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức ngày 29.3, tại Hà Nội.
Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu
Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc về cơ cấu ngành/nghề lao động và những yêu cầu mới về năng lực và kỹ năng của người học; sự thay đổi căn bản về mô hình đào tạo và phương thức dạy và học. Mặt khác, việc tự do chuyển dịch lao động xuyên quốc gia tạo ra sự cạnh tranh về cung nguồn nhân lực bậc cao... đó là những thách thức khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Do đó, Bộ GD-ĐT xác định yêu cầu xây dựng bản Chiến lược Phát triển tổng thể giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035, làm cơ sở cho sự đổi mới, phát triển toàn diện và bền vững trong dài hạn của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn nhìn nhận: GDĐH mặc dù đạt được một số thành tựu, kết quả đáng ghi nhận, song còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể là, chất lượng của lực lượng lao động được đào tạo trình độ đại học vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta; thiếu các nghiên cứu khoa học có chất lượng quốc tế từ các cơ sở GDĐH; hạn chế về tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình; thiếu chính sách tạo động lực hiệu quả đối với đầu tư của xã hội, doanh nghiệp cho GDĐH; cơ chế tài chính cho giáo dục ở cấp quốc gia lẫn cấp cơ sở chưa hiệu quả và thiếu bền vững.
Bộ trưởng cho rằng, có nhiều nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng là thiếu một chiến lược phát triển dài hạn, khả thi và hội nhập với xu thế phát triển GDĐH của Thế giới; một chiến lược được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu thực chứng, luận cứ khoa học vững chắc và đúc rút thực tiễn phát triển GDĐH của các quốc gia trên thế giới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, với tầm nhìn đến năm 2035, hệ thống GDĐH của Việt Nam có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức; tiên phong và dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục đại học thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của quốc gia. Bộ trưởng mong muốn việc xây dựng và triển khai Chiến lược tổng thể phát triển GDĐH giai đoạn 2021-2030 để hiện thực hóa tầm nhìn này.
5 trụ cột chiến lược
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bản Chiến lược sẽ cụ thể hóa những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng trong đó bao gồm: định hướng về vai trò của nhà nước từ kiểm soát trực tiếp sang kiến tạo và đảm bảo chất lượng; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với cơ sở GDĐH; đổi mới quản trị đại học theo hướng hội nhập với thế giới.
Bản Chiến lược sẽ tập trung vào 5 trụ cột: Tăng cường năng lực quản lý nhà nước và quản trị đại học; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH, tăng cường chất lượng và sự phù hợp của đào tạo và nghiên cứu khoa học; đảm bảo tài chính bền vững cho GDĐH; tăng cường minh bạch thông tin, truyền thông.
Bản chiến lược không chỉ xác định được các mục tiêu, giải pháp mà còn phải đưa ra được lộ trình triển khai khả thi, tạo ra được sự đồng thuận của các cấp, các bộ ngành, các cơ sở đào tạo và các bên liên quan.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với WB và một số tổ chức, cơ sở GDĐH tổ chức các hội nghị tham vấn với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, nhiều ý tưởng đổi mới của các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà tuyển dụng, các thầy cô giáo, sinh viên; đặc biệt là các chuyên gia cấp cao của WB. Với thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế của mình, các chuyên gia Quốc tế sẽ giúp cho các nhóm nghiên cứu hoàn thiện ý tưởng, phương pháp và nội dung của các báo cáo, nghiên cứu.
Tại Hội nghị các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đặc biệt là các chuyên gia cấp cao của WB đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm quốc tế của mình phát triển GDĐH và mong muốn sẽ giúp cho các nhóm nghiên cứu hoàn thiện ý tưởng, phương pháp và nội dung của các báo cáo, nghiên cứu, hoàn thiện các báo cáo cho xây dựng Chiến lược tổng thể cho GDĐH Việt Nam và Chiến lược tổng thể phát triển GDĐH Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035.
Theo THU HÀ (QĐND)