Hoài Nhơn phát triển kinh tế biển
Những năm qua, ngư dân Hoài Nhơn đã chủ động đầu tư nâng cấp tàu cá, cải tiến ngư lưới cụ, khai thác kiêm nghề; thành lập tổ đoàn kết trên biển, nghiệp đoàn nghề cá… đánh bắt đạt hiệu quả, sản lượng và giá trị khai thác hải sản tăng qua từng năm, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
Đóng mới tàu cá công suất lớn tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan. Ảnh: N.NHUẬN
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Địa phương luôn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng hậu cần nghề cá; tuyên truyền pháp luật cho ngư dân về phòng cháy chữa cháy, không vi phạm lãnh hải nước khác trong khi khai thác, đánh bắt. Huyện cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đầu tư vay vốn đóng mới tàu cá, trang thiết bị hiện đại để đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, đưa nghề biển trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ - CP về một số chính sách phát triển thủy sản và Quyết định 47/2016/QĐ - TTg về thí điểm hỗ trợ một lần sau đầu tư, toàn huyện có 140 hồ sơ của ngư dân được tỉnh phê duyệt vay vốn đóng mới tàu cá. Đến nay đã có 26 tàu cá đóng mới, đưa vào hoạt động, gồm 17 tàu vỏ thép, 8 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite… Hằng năm, ngư dân trong huyện đóng mới trên 150 tàu cá; sửa chữa, cải hoán hơn 1.000 lượt tàu, góp phần nâng đội tàu cá toàn huyện lên 2.268 chiếc, công suất trên 1,1 triệu CV, trong đó có 2.091 tàu đánh bắt xa bờ; tạo việc làm cho hơn 17.000 lao động trên biển.
Trên địa bàn huyện hiện có 17 DN thủy sản, trên 160 cơ sở chế biến, phục vụ hậu cần nghề cá với 5.500 lao động trên bờ. Năm 2017, tổng sản lượng đánh bắt đạt 46.000 tấn, trong đó cá ngừ đại dương đạt trên 9.100 tấn. Từ đầu năm đến nay, ngư dân đã khai thác 13.100 tấn hải sản các loại (cá ngừ đại dương 3.960 tấn).
Bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế biển của Hoài Nhơn vẫn còn những hạn chế: Tình trạng ngư dân xâm phạm lãnh hải nước ngoài bị bắt giữ vẫn còn xảy ra. Phương tiện, lực lượng lao động nghề cá phát triển tự phát, hoạt động đơn lẻ, phân tán; cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ đội tàu đánh bắt xa bờ. Đầu ra sản phẩm thủy sản chưa ổn định. Cửa biển Tam Quan thường xuyên bị bồi lấp; hệ thống cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền thường xuyên quá tải…
Để tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Hoài Nhơn trở thành trung tâm kinh tế biển năng động của tỉnh, ông Nguyễn Chí Công cho biết thêm: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới tàu cá công suất lớn với các kỹ thuật đánh bắt hiện đại và giảm dần tàu cá công suất nhỏ. Triển khai nạo vét luồng lạch cửa biển Tam Quan; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá Tam Quan, khu dịch vụ hậu cần nghề cá; xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu chế biến thủy sản Tam Quan Bắc. Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, hỗ trợ các tổ đoàn kết trên biển hoạt động góp phần giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn cho ngư dân...
NGỌC NHUẬN