Góp ý Luật Tố cáo (sửa đổi): Cần thận trọng với các hình thức tố cáo mới
(BĐ) - Ngày 30.3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Quang cảnh hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đa số các ý kiến đồng tình với việc sửa đổi Luật Tố cáo, vì sau 4 năm Luật được thi hành đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế cần được tháo gỡ.
Hình thức tố cáo là vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý tại phiên thảo luận. Nhiều đại biểu nhất trí với việc bổ sung hình thức tố cáo bằng fax, email như dự thảo Luật. Từ đó, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tố cáo, nhất là với những người còn e ngại bị “trù dập”, “trả thù”; bởi đây là các hình thức thông tin thông dụng, tiện lợi, phổ biến hiện nay.
Đại biểu tham gia góp ý.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số ý kiến khác cho rằng dự thảo Luật chỉ nên quy định 2 hình thức tố cáo như quy định của Luật Tố cáo năm 2011: tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Quy định này nhằm xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người bị tố cáo. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng có điều kiện thuận lợi để bảo vệ cho người tố cáo.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ một số vấn đề xung quanh quy trình tiếp nhận tố cáo; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong quá trình giải quyết tố cáo; chế tài xử lý đối với người tố cáo sai sự thật…
MAI LÂM