Góp ý dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi): Còn nhiều băn khoăn
Luật Tố cáo (sửa đổi) được xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo năm 2011. Tuy nhiên, nhiều điểm mới của dự thảo luật sửa đổi vẫn còn chưa chặt chẽ, minh bạch.
Nội dung trên thể hiện rõ tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp tổ chức ngày 30.3.
Quang cảnh hội nghị
Cần công bằng, minh bạch
“Mất cân bằng!”. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đình Thú đã thốt lên như thế khi nhận định tổng quan về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Đi vào cụ thể, ông Thú cho rằng, theo dự thảo, cơ chế xử lý giải quyết tố cáo nặng về phía người bị tố cáo hơn người tố cáo. Trong trường hợp tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người bị tố cáo, chế tài xử lý đối với người tố cáo “mờ nhạt”. “Do đó, nguyên tắc giải quyết tố cáo cần bổ sung “công bằng” giữa người tố cáo và người bị tố cáo”, ông Thú đề đạt.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề đề cập trong dự thảo cũng được các đại biểu yêu cầu phải thể hiện rõ ràng hơn. Công tác giải quyết tố cáo được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, đòi hỏi có sự phối hợp của nhiều cơ quan trong việc cung cấp, xác minh thông tin. Do đó, kết quả giải quyết tố cáo thành công hay không phụ thuộc rất nhiều đến sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, theo Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Trần Trọng Triêm, vấn đề này chỉ được đề cập chung chung tại Điều 6 và Điều 53. “Quy định như dự thảo chưa thể hiện rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong công tác phối hợp giải quyết tố cáo”, ông Triêm đánh giá.
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đặng Thành Thái nêu ý kiến tại hội nghị.
Tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo
Hình thức tố cáo là vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý tại hội nghị. Nhiều đại biểu nhất trí với việc bổ sung hình thức tố cáo bằng fax, email như dự thảo Luật để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tố cáo. “Quy định này phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, góp phần vào việc thực hiện tố cáo nhanh, kịp thời; giúp người đứng đầu quản lý hiệu quả cán bộ, cơ quan, tổ chức”, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Thành Quát phân tích.
Để tạo thuận lợi hơn cho người tố cáo, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đặng Thành Thái đề nghị bỏ yêu cầu ghi rõ số CMND, căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người tố cáo trong đơn. Có vậy mới khuyến khích những người “nhút nhát” tham gia tố cáo, đảm bảo công bằng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố cáo.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số ý kiến khác cho rằng dự thảo Luật chỉ nên quy định 2 hình thức tố cáo như Luật Tố cáo năm 2011: tố cáo trực tiếp và bằng đơn. Quy định này nhằm xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người bị tố cáo; ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng có điều kiện thuận lợi để bảo vệ cho người tố cáo. “Không phải chúng ta lạc hậu, mà phải tính đến vấn đề giải quyết và chịu trách nhiệm về giải quyết tố cáo, vốn rất phức tạp”, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đào Ngọc Sơn nói.
Bảo vệ thân thích của người tố cáo: Có khả thi?
Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ người tố cáo. Dự thảo đã có các quy định về bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo...
Tuy nhiên, theo Phó Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Xuân Sơn, việc mở rộng phạm vi đối tượng bảo vệ (Điều 48 quy định người được bảo vệ là người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo) khó khả thi, gây khó khăn cho công tác bảo vệ. “Trên thực tế, chỉ cần bảo vệ được người tố cáo không bị “trù dập” đã tốt lắm rồi!”, ông Sơn bày tỏ. Đồng quan điểm, đại diện CA tỉnh cũng khẳng định, với diện bảo vệ như trên và tình hình tố cáo hiện nay, lực lượng CA làm “không xuể”!
Bên cạnh đó, các ý kiến khác cũng bày tỏ băn khoăn, khi dự thảo Luật chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và thân thích của họ; chưa quy định về các biện pháp bảo vệ, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ...
“Ðây là dự án Luật quan trọng, nhạy cảm, nhân dân đặc biệt quan tâm, nhiều nội dung cần phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá thực tiễn để đảm bảo các quy định có tính khả thi trong thực tế. Do đó, dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV quyết định xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp; dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới đây”
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh LÝ TIẾT HẠNH
NGUYỄN VĂN TRANG