SẢN XUẤT SẠCH:
Mở lối đưa nông sản vào siêu thị
Nông sản lên kệ hàng của siêu thị vừa giúp nông dân quảng bá sản phẩm, tiếp cận được người tiêu dùng, đồng thời tránh được tình trạng “được mùa mất giá”. Song ở tỉnh ta, việc đưa nông sản vào siêu thị còn quá ít.
Cân và đóng gói RAT tại HTXNN Thuận Nghĩa. Ảnh: TIẾN SỸ
Nhìn từ rau an toàn của một số HTXNN
Xuất hiện trong chuỗi cung ứng nông sản an toàn của Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Bình Định, các sản phẩm rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP của HTXNN Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn) và HTXNN Phước Hiệp (Tuy Phước) được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Theo các nhân viên tại quầy thực phẩm tươi sống Co.opmart Quy Nhơn, các mặt hàng rau, quả như rau dền, rau muống, cải, mồng tơi và khổ qua, bí xanh, dưa leo, đậu cô ve… của HTXNN Thuận Nghĩa và Phước Hiệp luôn được khách hàng tin dùng.
Ghi nhận tại HTXNN Phước Hiệp, các hộ xã viên tham gia sản xuất RAT cho biết, việc đưa sản phẩm vào siêu thị phần nào giúp bà con giải quyết đầu ra cho sản phẩm. “Mỗi ngày HTX cung ứng cho các siêu thị, các quày rau an toàn ở TP Quy Nhơn và các địa phương 400- 500 kg rau quả các loại. Giá thu mua của siêu thị cao hơn từ 10- 15% so với rau cùng loại trên thị trường”, ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTXNN Phước Hiệp, cho biết. “Hiện có 86 hộ sản xuất RAT, diện tích 5,7 ha. Mở rộng diện tích sản xuất, đầu tư trồng rau công nghệ cao, rau trái vụ để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế là hướng đi mà HTXNN Phước Hiệp thực hiện trong thời gian tới”, ông Thăng cho biết thêm.
“Tại siêu thị Big C Quy Nhơn, RAT của HTXNN Thuận Nghĩa và Phước Hiệp luôn là lựa chọn hàng đầu của khách hàng”, anh Bùi Việt Quý, Trưởng bộ phận thực phẩm tươi sống của Big C Quy Nhơn, chia sẻ.
“Muốn mở rộng sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế thì phải có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Việc sản phẩm RAT theo tiêu chuẩn VietGAP của HTXNN Thuận Nghĩa vào siêu thị Co.opmart và Big C Quy Nhơn phần nào giúp người dân ổn định sản xuất, tiếp cận được người tiêu dùng”, ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, nhìn nhận.
Cần đáp ứng điều kiện của siêu thị
Anh Quý cho hay, Big C Quy Nhơn luôn ưu tiên phát triển nguồn hàng địa phương, bởi vừa đảm bảo độ tươi ngon, vừa tạo đầu ra cho sản phẩm địa phương. Thời gian tới, siêu thị xây dựng gian hàng sản phẩm địa phương để khách hàng dễ dàng tìm mua. Tuy nhiên, đến thời điểm này rất ít nhà cung cấp đủ điều kiện để vào Big C Quy Nhơn. Thống kê tại bộ phận thực phẩm tươi sống Big C Quy Nhơn, hiện chỉ có 13 nhà cung cấp trong tỉnh đưa hàng vào đây, chủ yếu là hàng tươi sống như hải sản, thịt và rau.
Theo ông Thái Lương Hùng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart tại Bình Định: Đưa nông sản vào bán ở siêu thị, sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng phải được kiểm soát trong suốt quá trình từ trồng trọt, thu hoạch đến đóng gói, bảo quản và đưa ra tiêu thụ. Sản phẩm có chứng nhận VietGap, GlobalGap, EuroGap là các điều kiện ưu tiên để các loại hàng nông sản có thể kinh doanh tại siêu thị. Đồng thời sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của khách hàng và có sản lượng ổn định. Tùy theo nhu cầu của khách hàng, siêu thị sẽ làm việc với các HTX tăng sản lượng thu mua lên.
Sơ chế RAT tại HTXNN Phước Hiệp. Ảnh: THU DỊU
Ông Phạm Long Thăng cho biết: Năm 2017, HTXNN Phước Hiệp tiêu thụ 127 tấn RAT, tăng 30 tấn so với năm 2016; tổng doanh thu 1,9 tỉ đồng, lợi nhuận trên 61 triệu đồng, tăng 42% so với năm 2016. HTX đang đề xuất xin hỗ trợ sản xuất rau công nghệ cao trong nhà lưới, rau trái mùa, nhằm tăng sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các thành viên. HTX cũng đang tiếp thị, quảng bá thương hiệu RAT Phước Hiệp, kết nối thêm các kênh tiêu thụ như bếp ăn tập thể, quầy RAT tại các chợ.
THU DỊU