Sức sống bài chòi ở Hoài Nhơn
Để phục dựng và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc, cứ hai năm một lần, UBND huyện Hoài Nhơn chủ trì tổ chức Liên hoan Hội đánh bài chòi cổ dân gian. Liên hoan lần thứ 3 vừa được tổ chức thành công tại đền thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ (12 - 13.3). Đến giờ có thể nói, “cây” bài chòi đã xanh tốt, tỏa bóng mát và cho trái ngọt ở Hoài Nhơn.
Hoài Nhơn là quê hương thứ hai của danh nhân văn hóa Đào Duy Từ (1572-1634). Tương truyền, chính Đào Duy Từ là người đã phát minh trò chơi đánh bài trên chòi, góp phần hình thành nghệ thuật bài chòi dân gian. Ngày xưa, Hội đánh bài chòi thường diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều nơi tổ chức kéo dài đến rằm tháng Giêng. Trong đó, địa danh Trung Lương, ngôi làng nhỏ nằm ven sông Lại Giang, huyện Hoài Nhơn, nơi hợp lưu của hai con sông Kim Sơn và An Lão, bến đò Chợ Hàn,... gắn liền với các hội đánh bài chòi nhộn nhịp một thời.
Phần biểu diễn của CLB Hoài Tân, đơn vị đạt giải nhì tập thể, giải hiệu hô xuất sắc và diễn viên nhỏ tuổi hô hay tại Liên hoan Hội đánh bài chòi cổ dân gian huyện Hoài Nhơn lần thứ 3 năm 2018.
Những năm qua, huyện Hoài Nhơn đã có nhiều nỗ lực phục dựng, khơi dậy sức sống của nghệ thuật bài chòi. Đặc biệt, năm 2013, Trung tâm VH-TT huyện tổ chức tập huấn Hội đánh bài chòi cổ dân gian, với sự giúp đỡ của nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ có kinh nghiệm thực hành nghệ thuật về truyền dạy. Từ những mầm xanh đó, tình yêu bài chòi được khơi gợi lại, dần lan truyền mạnh mẽ trong huyện.
Tháng 1.2014, CLB Hội đánh bài chòi xã Hoài Thanh ra mắt, đến nay, toàn bộ 17 xã, thị trấn ở Hoài Nhơn đều có CLB, đội bài chòi. Và đặc biệt, Hoài Nhơn có rất đông khán giả hâm mộ, luôn sẵn sàng có mặt, giúp không gian diễn xướng dồi dào sức sống. Các dịp lễ, tết, đặc biệt là vào dịp kỷ niệm ngày sinh danh nhân văn hóa Đào Duy Từ, tại trung tâm huyện, các xã, thị trấn, chính quyền từ huyện đến cơ sở không quên vinh danh ông bằng nhiều đêm hội đánh bài chòi sôi nổi.
Để phát triển, duy trì môn nghệ thuật này, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hướng dẫn của các ngành chức năng, huyện Hoài Nhơn tập trung bảo tồn và phát huy di sản gắn với công tác di tích, du lịch với nhiều giải pháp sáng tạo. Số lượng nghệ nhân, nghệ sĩ thực hành bài chòi ngày một tăng, đáp ứng yêu cầu biểu diễn phục vụ nhân dân.
Cùng với việc nuôi dưỡng và truyền sức sống để bài chòi lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, huyện Hoài Nhơn đã có kế hoạch phát triển nghệ thuật bài chòi theo định hướng mới. Theo đó huyện sẽ tuyển chọn các nghệ nhân giỏi, diễn xướng tốt, hình thành CLB chuyên nghiệp, phục vụ các hoạt động lớn của huyện; xây dựng bài chòi thành sản phẩm hỗ trợ du lịch, gắn với không gian di tích đền thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ.
Có thể nói, nhờ nỗ lực liên tục trong nhiều năm, nghệ thuật bài chòi đã lan tỏa sức sống mạnh mẽ trên đất Hoài Nhơn. Và quả thật đây là một đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Liên hoan Hội đánh bài chòi cổ dân gian Hoài Nhơn lần thứ 3 năm 2018 do UBND huyện tổ chức tại đền thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ, ở thôn Ngọc Sơn Bắc, xã Hoài Thanh Tây, trong hai đêm, 12 - 13.3. Tham gia Liên hoan có 17 CLB thuộc 17 xã, thị trấn trong huyện. Kết quả, CLB thị trấn Tam Quan đạt giải nhất, CLB các xã Hoài Tân, Hoài Thanh Tây đạt giải nhì; giải ba thuộc các CLB xã Hoài Hương, Hoài Đức, Hoài Thanh; các xã, thị trấn còn lại được trao giải Khuyến khích.
Các giải thưởng cá nhân được trao cho cháu Hồ Thanh Trúc, CLB xã Hoài Tân đạt giải diễn viên nhỏ tuổi hô hay; cô Võ Thị Liên, đơn vị Hoài Hảo đạt giải diễn viên lớn tuổi hô hay và giải hiệu xuất sắc nhất thuộc về hiệu nữ Bùi Thị Lệ Thắm, đơn vị Hoài Tân.
THANH DIỆU