Những liên tưởng lạ (*)
Kai Hoàng là một tác giả trẻ đã để lại nhiều ấn tượng cho văn học trẻ Việt mấy năm gần đây. Anh viết nhiều, in nhiều, cả thơ, truyện, tản văn… Nhưng tôi ấn tượng phần nhiều với thơ anh. Dường như, khi đến với thơ, anh mới thực sự trở về “đúng nghĩa trái tim anh”, như anh từng quan niệm rằng: “Thơ đối với tôi như một mạch thở. Mỗi ngày, tôi dành nhiều thời gian để trải nghiệm và chiêm nghiệm, bằng tất cả cảm xúc và ngôn ngữ cưu mang…”.
Tập thơ đầu tay của anh, Gặp tôi ngày mê sảng, gồm 42 bài là những chắt lọc, chiêm nghiệm, lúc đặc quánh khi nhẹ bẫng mong manh lay gợi, day dứt trên nhiều cung bậc. Ở đó, nỗi buồn hanh hao, hư vô mà quấn xuyến lấy người đọc: “Chạy qua giấc ngủ li ti/ nỗi buồn cũng biết invisible/ thử làm chiếc lá rụng khô/ để xem the past cởi đồ khỏa thân” (Hỏi). Với lối trải nghiệm tinh quái mà phóng khoáng, đa ngôn trong thể thơ lục bát truyền thống này, Kai Hoàng như đang muốn phân mảnh mình, vượt thoát và “cởi trói” khỏi những thói quen cũ kỹ, “nỗi buồn đồng phục”. Một thành công!
Có lẽ, thơ của Kai Hoàng sẽ làm nhiều bạn đọc thấy hơi khó hiểu bởi lối viết siêu thực. Nó phi tuyến tính, không tuân thủ theo hệ thống logic, có những đứt gãy, rời rạc. Nhưng, lại đầy liên tưởng và sự tái tạo phôi hình ngữ nghĩa. Với tạng thơ này, Kai Hoàng nhìn mọi thứ xung quanh bằng một lăng kính khúc xạ đa tầng. Khó hiểu nhưng quyến rũ. “tôi hay nói đêm có màu bạch tạng/ khi giấc mơ âm bản bỗng xoay chiều/ em gối đầu bên nỗi đau rất thực/ chỉ còn tôi sám hối với cơn yêu” (Khúc mưa tuôn). Hay: “Nơi cánh buồm đã trôi vùng áp thấp/ tôi thấy trong mắt gió/ diện mạo của cơn bão kiệt tàn/ cơn bão có chân dung của nỗi buồn/ thổi vào đêm một cơn nghiêng biển động” (Chân dung).
Kai Hoàng cố giải thoát chính mình nhưng dường như đôi chân cũng đầy những bải hoải hoang mang khi cố tìm một nơi an trú cho nỗi cô đơn khác biệt: “Tôi đã chán đi ra biển/ những dấu chân luôn bị lau chùi bằng đợt sóng/ biển như một tên nhạc công thất nghiệp/ chỉ ngân lên một bài ca cũ mèm/đài quan sát ở rừng đã gỉ sét/ chúng có thể sập bất cứ lúc nào/ nơi đó chỉ đủ cho một người để đứng/ tôi đang tưởng tượng mình sẽ rơi tự do với gia tốc nghèo nàn” (Tôi muốn đi vào rừng).
Để hiểu và chia sẻ với Kai Hoàng, có lẽ nên cảm nhận bằng trực giác hơn là cố tách bóc, phân tích theo lý trí logic. Nhẹ nhàng cảm nhận, chậm rãi như thưởng thức một tách cà phê phin ngày nắng nhẹ, từng giọt từng giọt hoài niệm và phác thảo những rơi vỡ bằng cảm giác và sự đồng điệu: “…tôi thấy tôi trong một ngày mê sảng/ đập cánh bay trên thung lũng mặt người/ ngày bỏng rát gọi tôi đang cháy nắng/ trên thềm mùa từng ngôn ngữ chợt rơi” (Gặp tôi ngày mê sảng).
Kai Hoàng đã có những trải nghiệm, liên tưởng lạ, mới và thú vị. Tôi có dự cảm rằng, cây bút trẻ này sẽ còn tạo nhiều bất ngờ trong hành trình sáng tạo phía trước.
VÂN PHI
(*) Đọc tập thơ “Gặp tôi ngày mê sảng” của Kai Hoàng, NXB Hội Nhà văn.