Xứng danh “phụ nữ ba đảm đang”
Ngoài công tác Hội, chị Đặng Thị Bình, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Chánh Tường (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) dành hết thời gian cho việc phát triển kinh tế gia đình. Chị Bình đã được Hội LHPN tỉnh công nhận là nữ cán bộ hội làm kinh tế giỏi.
Tận dụng đất vườn khá rộng, chị Bình trồng cỏ và gầy một con bò thịt, bán lấy vốn. Chị nuôi thêm con bò cái nền, bò sinh nghé, chị tiếp tục đầu tư nuôi lấy thịt. Cứ thế, bò thịt mỗi năm xuất 1 - 2 con, cộng với bò cái nền phát triển lên 3 con, mỗi năm 3 nghé, nuôi 6 - 7 tháng xuất bán, chị có không dưới 70 - 80 triệu đồng.
Chị Bình cho bò ăn.
Tận dụng đất vườn, chị rào một khoảnh nuôi gà thả rông, giống gà ta, mắn đẻ, ấp con, nuôi thịt, mỗi lứa vài trăm con; chi phí không nhiều nhờ thóc làm được, rau xanh trồng được, từ nuôi gà, mỗi năm chị Bình thu về vài chục triệu đồng.
Lại kể về chuyện nuôi heo, chị Bình cho biết nhiều năm trước, heo được giá, chị phát triển đàn heo từ ít đến nhiều, có thời điểm trong chuồng lên tới 6 - 7 con heo cái nền, mỗi năm đẻ 12 - 14 lứa, được 100 con heo sữa, chị nuôi bán giống, thu cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, một hai năm trở lại đây, giá heo rớt, chị giảm heo nái còn 2 - 3 con và vẫn cầm cự nuôi tới bây giờ. “Với phế phẩm trong nông nghiệp, tôi nấu rượu để lấy hèm cho heo ăn, nhờ đó heo mau lớn mà còn tận dụng được phụ phẩm trong sản xuất, không bỏ phí”, chị chia sẻ.
Chưa hết, chị Bình còn giữ và phát triển nghề may từ lúc chưa lập gia đình. Không chỉ nhận hàng may cho khách tại nhà, chị còn nhận nguyên liệu về may gia công, có thêm thu nhập bình quân mỗi ngày từ 100- 150 ngàn đồng, có tiền trang trải hàng ngày.
Có thể nói, chị Bình như một con ong chăm chỉ, luôn biết sắp xếp mọi việc từ trong nhà đến xã hội, việc nào ra việc nấy, chị đều hết lòng tận tụy, tươm tất. Nhờ sự đảm đang, tháo vát của chị, chồng chị yên tâm với nghề dạy học, 2 con trai tốt nghiệp đại học, hiện đã có việc làm ổn định ở TP Hồ Chí Minh. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời chị.
Xuân Lộc