Mùa qua
Tôi nhớ mùa đông hai năm trước, tôi cùng với Bánh Nướng đứng trước biển. Cô ấy mặc chiếc áo khoác dạ màu xanh, rúc đầu trong chiếc khăn choàng màu hoa gạo. Trong tiếng gió ù ù, cô ấy gào lên: “Cậu sẽ về chứ?”
Tôi nói: “Hả?”
Cô ấy lại gào lên: “Cậu sẽ quay lại chứ?”
Tôi đáp: “Ừ!”
Lúc đó tôi mười tám, cô ấy mười sáu.
Sau đó tôi đậu vào một trường đại học ở Sài Gòn, tôi rời khỏi Quy Nhơn.
* * *
Tôi là một thằng sinh viên nghèo hụt bữa, nộp card điện thoại chưa bao giờ quá hai mươi ngàn đồng. Những chiều từ chỗ làm thêm về, tôi dừng lại trước những ô cửa sáng đèn của những cửa hàng dọc phố. Tiếng nhạc chỗ dìu dặt, chỗ xập xình, người qua lại đông như kiến, nhưng tôi chỉ có một mình. Phòng trọ của tôi vắt vẻo trên tầng cao của một ngôi nhà cũ, cánh cửa sổ bằng gỗ lỏng chỏng như sắp rơi ra, mỗi lần gió thổi lại va vào nhau nghe lạch cạch. Nhiều đêm tôi vừa húp mì gói, vừa nương theo ánh đèn đường, lắng nghe phố xá chuyển động bên dưới rồi dõi mắt hun hút về xa ngái.
Tranh: VĂN NGUYỄN
Tôi nhớ da diết những ngày đông ở Quy Nhơn. Phương Nam thì ấm áp, rộn ràng nhưng Quy Nhơn sở hữu nét dịu dàng riêng có. Đó là cảm giác đìu hiu khi đạp xe dọc phố những lúc lên đèn, nhất là khi ở sau xe còn đèo thêm một cô bạn thích hát vu vơ và hay cười khúc khích. Những ngày lạnh đến mức nghe răng va vào nhau lạch cạch, tôi và Bánh Nướng lại dạo biển rồi rủ nhau đi ăn kem. Múc một thìa kem thật to, đưa vào miệng, nghe sự tê buốt lan từ đầu lưỡi, đến cổ họng rồi chạy dọc toàn thân, đó là một cảm giác không thể miêu tả bằng lời, nó có thể khiến bạn phát nghiện. Những ngày buồn bã, đôi lần chỉ vì bị điểm kém thôi, Bánh Nướng lại rủ tôi ra biển chỉ để hứng gió lạnh và nghe cô ấy khóc lóc kể lể. Lúc chúng tôi chia nhau một chiếc bánh tiêu, bánh bao chiên nóng hổi mua vội ven đường Lê Hồng Phong, lúc Bánh Nướng chia cho tôi một nửa chiếc tai nghe đang phát bài “Ngày trôi về phía cũ” của Trung Quân Idol. Nghe bồn chồn.
Bánh Nướng có cả một cái danh sách nhạc như vậy. Nhạc của Phạm Hồng Phước, Mr. Siro, Bùi Anh Tuấn, Hà Anh Tuấn, Trung Quân Idol… Mỗi lần đưa tôi nghe một bài hát, cô ấy không hỏi tôi hay không, chỉ hỏi nghe buồn không? Có lần, cô mỉm cười bảo muốn thử hát mấy bài này trên nền nhạc Rock xem sao. Tôi hình dung, những câu từ ấy dù có gào thét ra sao cũng không che lấp được sự bồn chồn.
Đêm Giáng Sinh năm đó, chúng tôi cùng nhau đến nhà thờ Nhọn. Chúng tôi đều không theo đạo Thiên Chúa giáo nhưng Bánh Nướng nói, cô thích không khí thiêng liêng khi nghe tiếng chuông nhà thờ vang lên giữa bài thánh ca. Thiêng liêng đến mức cô có cảm giác theo tiếng chuông lảnh lót trên cao, tất cả những tội lỗi của mình đều được thanh tẩy.
Trước khi tạm biệt nhau, Bánh Nướng tặng tôi một chiếc thiệp tự vẽ, trong đó có một bài thơ chép tay. Chữ cô bạn rất đẹp, tôi vẫn giữ nó đến tận bây giờ. Nhưng từ mùa đông năm tiếp theo, tôi không còn liên lạc được với Bánh Nướng. Cũng bắt đầu từ lúc đó, tôi tập tành hút thuốc lá.
Những lúc tôi trở về Quy Nhơn, đều sẽ đến thăm nhà cô ấy vài lần, đến xem mẹ Bánh Nướng gói bánh chưng. Hay chỉ để đứng trước bàn thờ cô ấy ngẩn người. Tôi nhớ, đám tang của Bánh Nướng, tôi không khóc. Những lần đến gặp mẹ của Bánh Nướng, tôi cũng không khóc. Nhưng mỗi lần bước ra khỏi nhà Bánh Nướng, tôi đều không nhịn được mà ngồi bệt xuống trước thềm nhà cô ấy. Tôi khóc nức nở. Lúc đó rất muốn hỏi, tôi về rồi, cậu đang ở đâu?
Mùa đông năm nay, tôi ngồi trong phòng trọ ở Sài Gòn, ăn kem, đeo headphone, nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm người ta đi qua đi lại. Tiếng nhạc cứ vang lên bồn chồn “Nụ cười bình yên tê tái ngõ vắng ngọn đèn đêm. Soi bóng dáng ai đang về dưới mưa. Màu đời bình yên êm ái, ngõ vắng, mùa lạnh sang…”
“Cậu sẽ về chứ?”
“Hả?”
“Cậu sẽ quay lại chứ?”
“Ừ.”
Năm đó tôi mười tám, cô ấy mười sáu.
Bây giờ tôi hai mươi hai, còn Bánh Nướng vĩnh viễn dừng lại ở tuổi mười bảy.
Truyện của NGUYỄN LÊ THU AN