Mất tiền vì “bẫy lừa” qua mạng
Mạng xã hội zalo, facebook ngày càng được nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn để giao lưu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm. Nhưng một khi tài khoản bị kẻ xấu xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, sử dụng sẽ gây phiền toái cho bạn bè, người thân, đôi khi gây ra những hệ lụy khôn lường.
Chị Nguyễn Thị T. (xã Hoài Tân, Hoài Nhơn) chuyên bán hàng qua mạng online mang đơn đến CA huyện cầu cứu. Theo trình bày của chị, ngày 25.2, tài khoản “Loan Nguyen” nhắn tin cho chị qua Messenger mua hàng với tổng giá trị 2 triệu đồng. Trước đó, người mua hàng cũng nhắn tin yêu cầu chị T. đăng nhập vào trang web cho sẵn và thực hiện các thao tác như nhập tên, số in trên thẻ, hạn sử dụng, mã giao dịch và mã OTP để nhận 2 triệu đồng. Xong thao tác, chị T. nhận tin nhắn từ dịch vụ Internet banking tài khoản đã bị trừ 11,550 triệu đồng. Chị T. cũng cho biết, “sau khi bị mất tiền thì tiếp tục nhận tin nhắn từ “Loan Nguyen” và điện thoại người mua hàng là tài khoản của chị bị lỗi OTP nên ngân hàng Wester Union khoanh giữ của chị số tiền 13,550 triệu đồng (bao gồm số tiền trong tài khoản và số tiền khách hàng chuyển trả), đồng thời yêu cầu chị T. cho tài khoản khác để liên kết trả lại số tiền 13,550 triệu đồng. Nghi ngờ việc cung cấp thông tin tài khoản khác sẽ mất tiền nên chị T. cho một tài khoản trống khác thì bị chặn, không truy cập được vào tài khoản “Loan Nguyen”. Chị gọi số điện thoại của người mua hàng, chuông đổ nhưng không ai bắt máy.
Những lá đơn tố cáo của bị hại và dòng tin nhắn qua mạng của kẻ lừa đảo.
Còn chị Huỳnh Thị Diệu H. (TP Quy Nhơn) cho biết, sáng 2.2 có nhận tin nhắn qua mạng Messenger của một người quen có nickname “Nguyen Thuy” nhờ cào nhiều card điện thoại rồi chụp hình gửi qua, sẽ chuyển tiền sau. Sau khi cào thẻ với tổng số tiền lên 2 triệu đồng, nghi ngờ, chị H. gọi điện hỏi chị Thúy, chủ nhân của nickname “Nguyen Thuy” thì không nghe máy. Chị H. nhắn tin thì nhận được trả lời đang đi công tác nên không tiện nghe máy và đang cần dùng nhiều thẻ cào. Cứ thế chị H. làm theo yêu cầu, cào tổng số thẻ 5 triệu đồng rồi tiếp tục gửi. Đến lúc này, chị H. thấy hơi lạ nên gọi điện hỏi chồng chị Thúy thì mới biết, facebook của chị Thúy đã lâu không sử dụng.
Tương tự, anh Lê Hoài T. (phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) bị đối tượng tạo ra một nick trên facebook giống với người quen để thực hiện hành vi lừa đảo lấy 50 triệu đồng. Anh Nguyễn Trương B. (phường Ngô Mây) bị đối tượng lấy nickname chị gái “Luu Ha” lừa lấy 19 triệu đồng. Anh Huỳnh Đăng K. (trú KV4, phường Thị Nại) đặt tiền mua bán xe trên mạng. Sau khi chuyển trước 26 triệu đồng mua chiếc xe SH, anh K. gọi lại thì số điện thoại người bán đã tắt máy và chờ mãi vẫn không thấy xe đâu.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp giả danh nhân viên ngân hàng, biết thông tin khách hàng đang thực hiện khoản vay nhưng không sử dụng dịch vụ I2B (Internet banking), đối tượng lợi dụng thông tin khách hàng để đăng ký I2B thông qua hệ thống online của ngân hàng. Khi đăng ký thành công và biết được tài khoản vay của khách hàng có tiền, đối tượng đã dùng số điện thoại di động giả danh nhân viên ngân hàng đang thực hiện việc hỗ trợ giải ngân, yêu cầu khách hàng cung cấp tin nhắn mã OTP. Khi biết tài khoản khách hàng, đối tượng đã ngay lập tức dùng thẻ ATM rút hết tiền ngay sau giao dịch I2B.
Hiện Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh đang phối hợp với các cục nghiệp vụ và CA địa phương làm rõ các vụ lừa đảo qua mạng. Nhưng trước hết, “người sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo nhận biết những bất thường của tài khoản quen biết, khi thấy nghi ngờ thì điện trực tiếp để xác thực thông tin trước khi làm theo yêu cầu và có biện pháp tự phòng ngừa cho bản thân. Đồng thời, nên hạn chế đăng tải thông tin cá nhân lên mạng xã hội để tránh kẻ xấu lợi dụng”, thượng tá Trần Cao Hiệp, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh khuyến cáo.
Danh Nhân