Bệnh vảy nến - không dễ “sống chung”
Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh nhân vảy nến phải sống chung với căn bệnh này cả đời. Mỗi năm, họ phải vào viện điều trị vài đợt, ngay cả khi có loại thuốc mới được cho là có tác dụng tốt, nhưng cũng không nhiều người được tiếp cận vì giá thành “siêu đắt”.
Bệnh nhân Kpă Kas Sim bị vảy nến khá nặng, đang điều trị ở Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.
Vảy nến là bệnh mạn tính không khỏi, gây tổn thương da rất nặng nề. Bệnh nhân vảy nến có thể mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa kèm theo, nên ảnh hưởng tâm lý, giảm tuổi thọ. Phương pháp điều trị vảy nến thông thường là dùng thuốc toàn thân và thuốc bôi, kháng sinh chống bội nhiễm. Bệnh nhân nặng được chỉ định dùng thuốc ức chế miễn dịch, chiếu tia cực tím, thuốc mềm da, bong vảy… Tuy nhiên, những loại thuốc bôi thường dùng trước đây có nhiều tác dụng phụ, gây xuất huyết da, rạn da, giãn mạch… Những yếu tố làm bệnh nặng lên gồm: stress, nhiễm khuẩn, lao tâm lao lực, sử dụng rượu bia…
Thống kê của khoa Vảy nến - Tự miễn (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa) cho thấy năm 2016 có 504 người điều trị vảy nến, đến năm 2017, có 327 người điều trị chứng bệnh này. Theo một số tài liệu, tại Việt Nam có khoảng 3% dân số mắc bệnh vảy nến, trong đó 30% bệnh nhân bị viêm khớp. Không chỉ gây ngứa ngáy, đau rát khó chịu, vảy nến còn làm tổn thương da, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của bệnh nhân.
Đang điều trị vảy nến tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, ông Kpă Kas Sim (58 tuổi, ở huyện Ayunpa, tỉnh Gia Lai) cho biết đã bị vảy nến từ 12 năm nay. Ban đầu chỉ xuất hiện một vệt nhỏ ở sau tai, sau đó lan dần ra khắp cơ thể. Mỗi năm ông phải vào bệnh viện điều trị 4 đợt, mỗi đợt từ 15-30 ngày. Ông Kpă Kas Sim cho biết: “Tôi có nghe các bác sĩ giới thiệu về loại thuốc mới điều trị vảy nến, nhưng giá thuốc vượt quá khả năng nên tôi buộc phải dùng những phương pháp điều trị cũ. Có lẽ phải chờ đến khi thuốc được BHYT chi trả tôi mới có điều kiện để dùng”.
Bác sĩ CKI Bùi Thị Thanh Hương, Phó khoa Vảy nến - Tự miễn, cho biết: Giữa năm 2016, một loại thuốc sinh học mới trị vảy nến do Thụy Sỹ sản xuất, được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Thực tế điều trị cho thấy, dù không trị dứt điểm bệnh nhưng thuốc được đánh giá có tác dụng tốt. Tuy nhiên, do giá thuốc rất đắt - khoảng 8 triệu đồng/lọ 150mg, liệu trình phải sử dụng nhiều lọ, nên đến nay Bệnh viện mới chỉ điều trị cho 5 bệnh nhân bằng loại thuốc này.
Theo khuyến cáo, trong tháng đầu tiên, bệnh nhân phải dùng khoảng 4 lọ, liều tải dùng trong 3 tháng liên tiếp, sau đó dùng liều duy trì 1 - 2 lọ/tháng. Sau thời gian dùng liều tải (liều tải là liều cần đưa vào cơ thể để đạt nồng độ điều trị), hầu hết bệnh nhân giảm đến 80 - 90% thương tổn. Một vài bệnh nhân nặng cũng giảm khoảng 75%. Dẫu vậy, như đã nói ở trên, do thuốc không trị dứt điểm bệnh, nên nếu sau một thời gian tiêm thuốc mới, mà không dùng thêm liều duy trì, bệnh nhân phải điều trị lại từ đầu. Đặc biệt, loại thuốc mới này không được dùng cho bệnh nhân lao.
“Loại thuốc mới có giá quá cao so với điều kiện của số đông bệnh nhân vảy nến, nên họ rất khó tiếp cận hướng điều trị này. Tùy theo tình trạng bệnh nhân, chúng tôi có thể kéo dài thời gian dùng thuốc so với khuyến cáo, khoảng 2 - 3 tháng dùng 1 lọ, nhằm tiết kiệm chi phí cho họ. Được biết, hiện các bên liên quan đang đưa hồ sơ loại thuốc điều trị vảy nến này vào danh mục thuốc được BHYT chi trả. Nếu được phê duyệt, bệnh nhân mắc bệnh vảy nến sẽ dễ tiếp cận hơn”, bác sĩ Hương cho biết.
LÊ CƯỜNG