Nỗ lực phát huy thương hiệu “Trung tâm đồ gỗ Bình Định”
Thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, để phát huy thương hiệu “Trung tâm đồ gỗ Bình Ðịnh” các DN còn phải nỗ lực nhiều hơn.
Sản xuất đồ gỗ nội thất tại Công ty Kinh Bắc (CCN Bình Dương - Phù Mỹ). Ảnh: VĂN LƯU
Theo ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thời gian qua, bên cạnh những “rào cản thương mại” do các nước nhập khẩu áp đặt, các DN chế biến gỗ và lâm sản (CBG-LS) trên địa bàn tỉnh còn phải chịu áp lực do tác động của tỉ giá đồng Euro và những khó khăn về nguồn nguyên liệu nhập khẩu... Trước tình hình này, Sở Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Gỗ và lâm sản xuất khẩu (FPA Bình Định) triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.
FPA Bình Định đã tham gia tham vấn về chính sách ngành CBG-LS; tham gia đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các DN về tín dụng, ngân hàng, về đơn giá thuê đất, giảm phí duy tu bảo dưỡng hạ tầng... Sở Công Thương và FPA Bình Định còn xây dựng kênh “thông tin mở”, tạo điều kiện để các DN nắm bắt được thông tin kịp thời về xu hướng sản phẩm, thị trường; cập nhật thông tin ngành CBG-LS...
Nhờ sự nỗ lực về nhiều mặt, 3 tháng đầu năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt trên 83 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành CBG-LS vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là tình trạng thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu có chứng chỉ từ nguồn nhập khẩu và rừng trồng trong nước. Bên cạnh sự tăng trưởng của các mặt hàng gỗ chế biến, đồ gỗ nội thất, viên nén gỗ, vẫn còn một số mặt hàng có giá trị khá thấp, trong đó có dăm gỗ và đồ gỗ ngoại thất...
Trong năm 2018, ngành CBG-LS Bình Định phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 400 triệu USD, tăng 7% so với năm 2017. Theo ông Võ Mai Hưng, đáng quan tâm là Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra cơ hội và cả những thử thách mới đối với các DN CBG-LS Việt Nam và Bình Định. Khi CPTPP có hiệu lực, rất nhiều dòng thuế về ngay bằng 0; gỗ của các nước thuộc CPTPP nhập khẩu rồi bán cho các nước thành viên cũng sẽ có thuế bằng 0. Đây là lợi thế để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam.
Tuy nhiên, các DN CBG-LS trong nước cũng như trong tỉnh sẽ đối diện với không ít thử thách, trong đó có vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Trong thực thi CPTPP sẽ liên quan tới rất nhiều đối tác, không chỉ các DN CBG-LS, mà còn hộ gia đình trồng rừng, thương mại gỗ, vận tải gỗ, thương lái gỗ, chế biến gỗ.
Vì vậy, theo ông Võ Mai Hưng, các DN CBG-LS cần nỗ lực nâng cao trình độ quản trị DN; chủ động học tập, đào tạo về quy trình kỹ thuật, cách quản lý, cách tiếp cận, quảng bá, maketting, nhất là trình độ quản trị công nghệ… để hội nhập, phát triển. Các DN CBG-LS trong tỉnh cũng cần tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả “Đề án phát triển sản phẩm gỗ nội thất tỉnh Bình Định đến năm 2020”, nỗ lực chuyển đổi sản xuất đồ gỗ ngoài trời sang đồ nội thất.
VIẾT HIỀN