Lưu ý cho bà mẹ đang mang thai
“Các bà mẹ mang thai nên đặc biệt chú ý chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu: Đây là giai đoạn quan trọng để thai nhi hình thành tổ chức cơ quan như phổi, tim, gan, não. Cho nên bà mẹ cần tăng cường bổ sung thức ăn giàu chất đạm như trứng, sữa, thịt, đậu đỗ… Ngoài ra, nhớ uống bổ sung sắt và acid folic ngay từ khi phát hiện mình có thai hoặc chậm nhất ngay trong lần đi khám thai đầu tiên, sau đó duy trì trong suốt quá trình mang thai”, ThS Nguyễn Hữu Tiến - Khoa Sản (BVĐK tỉnh) lưu ý.
Chế độ dinh dưỡng khi mang thai 3 tháng giữa: Ba tháng giữa thai nhi phát triển nhanh về hệ xương, chiều cao nên các bà mẹ nhớ bổ sung các thực phẩm giàu can-xi, kẽm như: cua, tôm, trứng, sò, hàu, các loại hải sản. Tuy vậy, các loại thức ăn trên thường vẫn không đủ cho nhu cầu can-xi cho người mẹ trong 3 tháng giữa, do vậy nên bổ sung nguồn can-xi qua việc uống sữa và các chế phẩm của sữa.
Chế độ dinh dưỡng khi mang thai 3 tháng cuối: Đây là giai đoạn mà trọng lượng thai nhi tăng nhanh nhất, vì vậy, dinh dưỡng bà mẹ cần đảm bảo đầy đủ và đa dạng. Ngoài cơm và các lương thực khác, cần bổ sung chất đạm, chất béo để cơ thể thai nhi phát triển đầy đủ. Các loại thức ăn như trứng, cá, tôm, cua, đậu đỗ các loại (đậu tương, đậu xanh…) là những thức ăn có hàm lượng đạm cao, lại có thêm chất béo giúp tăng năng lượng và giúp hấp thu tốt các vitamin tan trong chất béo. Nên duy trì sử dụng sữa hoặc các chế phẩm từ sữa nhằm đạt cho được 6 đơn vị sữa/ngày (tương đương 200 ml sữa cộng với 2 hộp sữa chua và 2 miếng phô-mai).
Trung bình một bà mẹ, khi mang thai, chỉ nên tăng từ 12 - 15 kg. Đối với các bà mẹ nhẹ cân, cần tăng từ 12 - 18 kg; ngược lại với các bà mẹ mập, chỉ nên tăng từ 7 - 11 kg.
THU PHƯƠNG